Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn di sản Hán - Nôm ở Bình Định: Góp phần phát triển văn hóa bền vững
Di sản Hán - Nôm được hiểu là hệ thống thư tịch, tài liệu được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi nhận thấy, các tư liệu Hán - Nôm hiện còn của Bình Định khá phong phú và đa dạng từ hình thức đến nội dung. Các tư liệu này phần nào đã phản ánh rõ những đặc trưng tư duy và văn hóa của địa phương cũng như sinh hoạt làng xã, nghệ thuật của các bậc tiền nhân.
Tuy nhiên, so với những địa phương khác, di sản Hán - Nôm ở khu vực Bình Định có nguy cơ mai một rất lớn do chịu ảnh hưởng của sự phát triển và đô thị hóa của địa phương. Do đó, công tác sưu tầm, bảo tồn hệ thống di sản này là một vấn đề cấp thiết.
Sưu tầm, biên dịch và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm Bình Định
Từ năm 2005 đến nay, về phương diện quản lý nhà nước, công tác sưu tầm đã được tổ chức thành nhiều đợt, do Chi cục Văn thư lưu trữ (nay là Trung tâm Lưu trữ lịch sử) thuộc Sở Nội vụ thực hiện; mang lại những kết quả khả quan và phục vụ hữu hiệu cho công tác bảo tồn di sản, nghiên cứu lịch sử địa phương. Từ năm 2010, công tác sưu tầm, biên dịch các tài liệu Hán - Nôm đã được UBND tỉnh, các cơ quan quản lý văn hóa, giới nghiên cứu Hán - Nôm ở Bình Định quan tâm.
Thầy trò Khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn) đi thực tế tìm hiểu tư liệu Hán - Nôm ở chùa Ông Nhiêu, TP Quy Nhơn.
Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, hàng nghìn đơn vị văn bản Hán - Nôm (bao gồm châu bản triều Nguyễn, sắc phong, gia phả dòng tộc, sử liệu liên quan đến Bình Định, các tài liệu về võ cổ truyền Bình Định…) đã được Trung tâm Lưu trữ lịch sử tổ chức biên dịch, phiên dịch. Trong 2 năm 2015 và 2021, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nội vụ tổ chức 2 đợt trưng bày, triển lãm các văn bản Hán - Nôm rất quy mô và khoa học. Điều này cho thấy sự đầu tư đúng hướng và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Hán - Nôm trong công cuộc phát triển bền vững văn hóa địa phương hiện nay.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu, nhóm chuyên môn trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều đóng góp lớn, trong đó kết quả sưu tầm của các nhà nghiên cứu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh như: Trần Đình Tân, Mạc Như Tòng, Nguyễn Hoài Văn, Vũ Ngọc Liễn, Đặng Quý Địch, Huỳnh Chương Hương, Võ Minh Hải và Nhóm nghiên cứu văn hóa Hán - Nôm của Trường ĐH Quy Nhơn đã góp thêm không ít tư liệu quý cho công tác nghiên cứu về văn hóa, văn học và lịch sử địa phương trong thời gian qua.
Nên quản lý và khai thác tư liệu theo hệ thống chuyên đề
Khá nhiều tư liệu Hán - Nôm tuy đã được sưu tầm, biên dịch nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với trữ lượng của địa phương. Hệ thống tư liệu nghiên cứu, khảo cứu về văn hóa Chăm, sử liệu thời Tây Sơn, văn hóa làng xã, lịch sử và quá trình hình thành các cộng đồng người Hoa, lịch sử tôn giáo (Phật giáo, Công giáo…), văn hóa kiến trúc, lịch sử tộc họ, đặc biệt là hệ thống tư liệu Hán - Nôm về võ thuật, hát bội và hồ sơ Hán - Nôm của các danh nhân văn hóa, văn học của địa phương vẫn chưa được đầu tư sưu tầm, khai thác tương xứng.
Đáng lưu ý, việc quản lý và khai thác tư liệu theo hệ thống chuyên đề vẫn chưa được định hình, do đó đã làm lãng phí rất lớn nguồn tư liệu hiện có. Việc đề xuất và hình thành các chuyên đề tư liệu cần có sự hợp tác của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh như Sở VH&TT, Sở Du lịch, Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Thư viện tỉnh Bình Định và Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn).
Hiện nay, để góp phần thúc đẩy sự phát triển các giá trị của văn hóa truyền thống ở Bình Định, thiết nghĩ chúng ta nên có các dự án sưu tầm, bảo tồn, biên dịch tư liệu theo chuyên đề. Với các chuyên đề, dự án cụ thể, chúng ta có thể sưu tập và khai thác triệt để hệ thống tư liệu, phục dựng bức tranh văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo của Bình Định thật sự hiệu quả, có cơ sở khoa học. Qua đó, không chỉ thể hiện bề dày văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương, phát huy hiệu quả trách nhiệm cộng đồng đối với việc phát triển bền vững văn hóa dựa trên mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.
Một số khuyến nghị
Từ thực trạng của hệ thống di sản Hán - Nôm của Bình Định và tình hình sử dụng hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, các cơ quan chuyên môn cần tham mưu với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc xây dựng các chủ trương, kế hoạch tổ chức, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống tư liệu Hán - Nôm Bình Định. Công tác này cần được tổ chức thường xuyên, có hệ thống theo từng địa phương nhằm đảm bảo tiến độ và tránh việc “giẫm đạp” tư liệu.
Thứ hai, nên xây dựng các bộ sách công cụ mang tính tùng thư như: Địa bạ cổ Bình Định, Hương ước Bình Định, Sắc phong Bình Định… hoặc triển khai công trình Di sản Hán - Nôm Bình Định nhằm khôi phục, làm sáng rõ thêm những giá trị văn hóa truyền thống trong các văn bản Hán - Nôm của địa phương.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản tư liệu Hán - Nôm trong giáo dục địa phương ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào bảo quản các văn bản Hán - Nôm Bình Định, nhất là số hóa dữ liệu lưu trữ, tạo điều kiện cho việc khai thác, trao đổi các tư liệu Hán - Nôm thuận lợi và dễ dàng hơn.
Thứ năm, thành lập nhóm nghiên cứu hoặc CLB Hán - Nôm Bình Định nhằm thực hiện nhiệm vụ biên phiên dịch tài liệu theo yêu cầu của các cơ quan chuyên môn.
Song, giải pháp quan trọng và cấp thiết nhất là cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ chuyên viên, thư viện viên, những người làm quản lý văn hóa để đọc, hiểu, nắm vững giá trị của các văn bản Hán - Nôm mà mình trực tiếp quản lý, dần mở rộng phạm vi giới thiệu giá trị di sản Hán - Nôm của địa phương và toàn tỉnh đến các đối tượng khác.
TS. VÕ MINH HẢI
(Nhóm Nghiên cứu văn hóa Hán - Nôm Bình Định)