DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM:
Triển khai giải phóng mặt bằng tại các địa phương
Ngày 13.7.2022, sau khi 3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021 - 2025 đi qua tỉnh Bình Định được Bộ GTVT phê duyệt, các địa phương nhanh chóng triển khai các phần việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo ngày 28.7, tại huyện Hoài Ân, công tác kiểm đếm đã đạt trên 90%, 7 khu tái định cư hoàn chỉnh thiết kế, đang chờ Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua. 5 khu tái định cư ở huyện Phù Cát cũng đã được UBND huyện hoàn thành hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/500, đang chờ ý kiến của Sở Xây dựng. Huyện cũng đã họp dân để công khai chủ trương và phổ biến chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), kiểm kê được 231 trong tổng số 306 hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án…
Tổ công tác dự án cao tốc Bắc - Nam ở huyện Tuy Phước hướng dẫn người dân bị ảnh hưởng bởi dự án làm các thủ tục kê khai, thu thập giấy tờ. Ảnh: HẢI YẾN
Trong tuần qua, tổ công tác triển khai đo đạc, kiểm đếm của huyện Tuy Phước đã hướng dẫn người dân thực hiện các bước thu thập giấy tờ đất có liên quan phục vụ công tác GPMB. Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Công tác đo đạc phục vụ GPMB đã thực hiện xong và xuất hồ sơ kỹ thuật. Chúng tôi đã kiểm kê được 695 trong tổng số 771 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích liên quan là 52 ha (90,1%). UBND huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất tại xã Phước An. Để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng theo chỉ đạo của tỉnh, huyện ráo riết tập trung kiểm kê đối với các trường hợp còn lại, tính toán lập phương án GPMB đối với các trường hợp đã kiểm kê, đẩy nhanh thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư.
Hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng thuận và sẵn sàng di dời đến nơi ở mới nhường đất triển khai dự án; một số hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con… trình bày nguyện vọng để được Nhà nước hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Đen, ở thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) cho biết: Người dân ở thôn đều đồng tình thống nhất chủ trương của Nhà nước, chỉ xin lưu ý là nên quy hoạch đất sản xuất gần nơi ở, như vậy dân mau ổn định cuộc sống hơn. Còn ông Ngô Minh Triết, ở thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An (huyện Tuy Phước) đề xuất: Tôi nghĩ huyện, xã nên cập nhật công khai liên tục tiến độ dự án để dân được rõ, khi hiểu rõ thì người dân ủng hộ nhiệt tình hơn. Riêng ông Lưu Đình Ý, ở khu phố Lại Chánh Tây, phường Hoài Đức (TX Hoài Nhơn) kiến nghị: Khi thực hiện dự án, ở một số nơi chủ đầu tư sẽ buộc phải mượn đường dân sinh, tôi đề nghị tỉnh lưu ý các đơn vị thi công hoặc là sử dụng sao cho an toàn, nếu xuống cấp thì phải củng cố, tu bổ lại cho dân.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không xây dựng công trình, cơi nới nhà cửa, trồng thêm cây xanh trong vùng đã cắm mốc dự án. Các địa phương thành lập các tổ công tác thường xuyên tuyên truyền, kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm, trục lợi đền bù GPMB.
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đến ngày 20.11, các địa phương liên quan đến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông phải thực hiện được 70% khối lượng công việc bồi thường, GPMB và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công. Đến quý II/2023, phải hoàn thành 100% công tác bồi thường, GPMB. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại các địa phương đang phát sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, kiến nghị: Hiện nay, Trung ương chưa ban hành khung chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với Tiểu dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Khi có khung chính sách này, huyện mới có cơ sở để ra thông báo thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công khai cho dân biết. Mặc khác, các cấp có thẩm quyền cũng cần có chủ trương, hướng dẫn địa phương được chỉ định đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật; chỉ định đơn vị xây lắp không thông qua đấu thầu đối với dự án các khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch) ra khỏi phạm vi thi công dự án.
HẢI YẾN