Chợ phiên
Bà nay tròn 80. Bà bảo, thuở nhỏ khi bà lên 4, lên 5, nhảy chân sáo theo mẹ những ngày họp chợ, chợ đã họp 5 ngày 1 phiên cho đến tận bây giờ. Người mua kẻ bán như cũng chừng ấy, không đông lên mấy, hàng hóa không đủ đầy lên mấy. Lũ thanh niên chúng tôi nghe bà nói, chép miệng: “Hèn gì, đủ thấy làng mình nghèo và chậm thoát nghèo đến cỡ nào!”.
Mồng hai, mồng bảy, mười hai, mười bảy, hăm hai, hăm bảy rồi quay lại mồng hai tháng sau, chợ phiên họp các ngày ấy mỗi tháng. Lịch họp chợ, đến trẻ lên 3 cũng thuộc. Không chỉ vì chúng biết tính, đếm ngày mà còn bởi ngày chợ phiên là ngày xóm thôn rực lên một bầu không khí rất khác.
Đó là ngày con đường đất dẫn đến chợ nhộn nhịp người lên kẻ xuống; là ngày khói bếp mỗi nhà sực nức mùi vị tươi mới của những bữa cơm kỹ hơn ngày thường; là tiếng trẻ con mừng reo đón bì tàu hủ, cái bánh mì chà, hay cây mía dịu mẹ mua về từ chợ…
Con đường trước nhà dẫn thẳng đến chợ, mỗi sáng tinh mơ ngày họp chợ, cô gái nhỏ vẫn đều đặn thói quen ngồi bó gối trước hè trông ra đường, ngắm người đi chợ. Những người đàn bà đến từ làng bánh tráng bên kia sông với đôi quang gánh kẽo cà kẽo kịt, đội thúng bánh trên đầu lội sang bên bờ kia trong sớm sương còn tỏa khói trên sông. Những người bán nón tay đánh quay quẩy hối hả đến chợ mà chồng nón lá cao vút trên đầu chẳng một lần chao nghiêng. Con ngựa thồ già của người bán đồ nan đủng đỉnh đến chợ. Con đường xao xác lên một chút khi những xe thồ cá đi qua, rổn rảng tiếng nói, tiếng cười của những người đàn bà xứ biển…
Chợ nhóm họp sớm và mau tan, để người nông dân đi chợ về còn kịp ra đồng. Những cụ bà, việc chợ búa đã có dâu con lo, nhưng không phiên nào vắng mặt. Có lẽ chợ phiên đã thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống không mấy xê dịch của họ.
Người ta bảo, nhìn vào chợ sẽ biết đời sống người dân nơi ấy thế nào. Chợ phiên ám ảnh trong ký ức cô gái khuôn mặt thèm thuồng của những đứa trẻ đen nhẻm đứng chôn chân mắt dán vào những món đồ chơi điện tử nhấp nháy và phát ra âm thanh - những thứ lấp lánh khác xa với ô tô đất, đồng hồ bằng lá, cào cào châu chấu, giun dế chúng vẫn thường chơi. Là bị áo lép kẹp cùng bước chân tần ngần của những bà nội trợ quê nghèo trước quầy hàng xén khi mà chai dầu phụng, bì bột ngọt trong bếp đã hết mà nợ phiên trước còn chưa trả. Là dáng má, sáng sớm oằn vai gánh gánh rau đến chợ, trưa gánh về phân nửa, những đọt rau non héo xìu sau nửa buổi giữa chợ trời và cái gồng vai gượng cười của má: “Của nhà, lỗ lãi gì mà lo, con!”, cứa vào tuổi thơ cô đau điếng.
* * *
Má bảo, bà Bảy khòm nay không còn chống gậy tre đi chợ nổi nữa, mỗi bữa ăn bà đếm miếng thịt con cá để ăn vừa đủ 6 phiên chợ trong suất tiền trợ cấp người già neo đơn. Con ngựa thồ già còn sức nhưng chỉ biết nằm buồn nhai cỏ vì con người nay chuộng dùng rổ rá nhựa hơn đồ nan.
Khi cô gái lớn lên làm chủ căn bếp trong gia đình nhỏ của mình, đã biết nỗi tần ngần ở chợ phố những ngày cuối tháng. Để rồi mỗi ngày, ước sao lịch họp chợ quê mình gần ngày chút nữa, để nhiều lần hơn xóm thôn rực lên một sự sung túc, rộn rã, dẫu chỉ chốc lát, rồi trở lại nghèo, hiền và buồn như ngày không phải chợ phiên.