Giúp phụ nữ gỡ khó, phát triển kinh tế
Thời gian qua, Hội LHPN các cấp tích cực triển khai Ðề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025 (Ðề án 939) với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Trực tiếp hưởng lợi từ đề án này, nhiều hội viên dần vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, nhất là những trường hợp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hỗ trợ thiết thực
Cặm cụi trên ruộng rau xanh tốt, chị Trần Thị Thu Trang (SN 1992, ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) tỉ mỉ kiểm tra từng luống rau muống, bầu, dưa leo, khổ qua… được chính tay chị vun trồng, chăm sóc. Thời tiết nắng nóng khiến mồ hôi chảy dài nhưng chị vẫn tươi cười, phấn khởi vì loại nào cũng tươi tốt, mơn mởn.
Ngày hội khởi nghiệp gắn với tiêu chí bảo vệ môi trường được đông đảo chị em phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) ủng hộ. Ảnh: DƯƠNG LINH
Chị kể, gia đình thuộc diện hộ nghèo, chị và chồng đều làm thuê để mưu sinh, thu nhập bấp bênh. Thế rồi dịch Covid-19 khiến cả hai thất nghiệp, cuộc sống càng khó khăn hơn. Sau dịch, gia đình vẫn loay hoay để gỡ khó nhưng chưa tìm ra hướng giải quyết.
“Tháng 5 vừa qua, tôi được Hội LHPN huyện hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón và khuyến khích tham gia các lớp học về KHKT để nâng cao năng suất cây trồng. Phấn khởi vì được hỗ trợ “cần câu”, tôi dốc sức chăm chút mảnh ruộng nhỏ của mình. Kết quả, mỗi tháng, tôi có thêm 6 - 7,5 triệu đồng từ bán rau để lo cho gia đình”, chị Trang vui vẻ kể.
Đề án 939 còn tạo điều kiện giúp chị em giải tỏa bớt áp lực trong cuộc sống. Vốn có niềm đam mê với các sản phẩm địa phương, chị Nguyễn Thị Chinh, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) lựa chọn kinh doanh chả ram tôm đất. Thế nhưng, chị luôn đắn đo khi sắm sửa, đầu tư cho kinh doanh vì hoàn cảnh khó khăn, cần ưu tiên chi phí để lo cho con ăn học. Bởi vậy, sản phẩm dù chất lượng nhưng chị chỉ có thể làm số lượng ít để bán cho người quen, chưa thể mở rộng, thu nhập không ổn định. Thế rồi, được Hội LHPN TP Quy Nhơn hỗ trợ vốn, chị Chinh dành dụm, làm số lượng lớn hơn và phát triển thêm một số mặt hàng liên quan. Hiện tại, sản phẩm chả ram tôm đất của chị được đón nhận ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Chị Chinh tâm sự: “Vòng xoáy cơm - áo - gạo - tiền khiến phụ nữ chúng tôi phải đắn đo, suy nghĩ làm sao để chu toàn cho gia đình. Nhờ Đề án 939, tôi đã giảm được phần nào áp lực và có động lực phát triển kinh tế hơn. Tôi cũng tham gia các CLB có liên quan ở địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ các chị em có mong muốn khởi nghiệp, làm giàu chính đáng”.
Nâng cao hiệu quả hỗ trợ
Theo Hội LHPN tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tập trung vào khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên với hơn 34.000 lượt hội viên tham gia các buổi truyền thông. Bên cạnh đó, có 8 phụ nữ được hỗ trợ sinh kế với số tiền hơn 309 triệu đồng. Tính đến ngày 31.5, tổng dư nợ do Hội quản lý đạt trên 2,9 tỷ đồng, với hơn 90.000 hộ vay.
Song song đó, việc xây dựng các chương trình quảng bá sản phẩm để hội viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu sau thời gian tạm hoãn vì dịch Covid-19 cũng được thực hiện. Từ giữa tháng 6.2022 đến nay, Hội LHPN TP Quy Nhơn đã phối hợp cùng hội LHPN các phường trên địa bàn tổ chức 3 ngày hội khởi nghiệp gắn với tiêu chí “xanh”, hạn chế sử dụng túi ny lông trong mua bán, kinh doanh, thu hút sự tham gia của nhiều chị em.
Tự tay chuẩn bị từng túi giấy đến dựng gian hàng, trưng bày sản phẩm, bà Huỳnh Thị Bình, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) phấn khởi chia sẻ: “Đây là hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đầu tiên sau mùa dịch do địa phương tổ chức. Chúng tôi rất hào hứng vì có dịp đưa sản phẩm đến gần hơn với người dân. Ngoài ra, ai cũng thích thú khi sử dụng túi giấy thay vì bao nhựa vì vừa bảo vệ môi trường, vừa hợp vệ sinh”.
Tuy nhiên, để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế hiệu quả, các cấp hội cần tích cực hơn nữa trong rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên.
Thường xuyên xuống cơ sở để gặp gỡ, trò chuyện với chị em, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh Phạm Thị Thủy nhận thấy, nhu cầu việc làm của phụ nữ ở địa phương có sự thay đổi. Thế nhưng, việc hỗ trợ để chị em phát triển đúng nhu cầu vẫn còn nhiều khó khăn.
Chị Thủy cho biết: “Bên cạnh nấu ăn, trồng trọt và chăn nuôi, ngày càng có nhiều phụ nữ quan tâm đến ngành may mặc, nhất là các chị có con nhỏ vì có thể tranh thủ thời gian, tăng thêm thu nhập. Bởi vậy, tôi đã truyền đạt nguyện vọng của chị em lên các cấp hội, mong rằng sẽ có nhiều hơn những lớp dạy nghề, đảm bảo đầu ra việc làm, đáp ứng nhu cầu của hội viên”.
Ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của chị em cùng nỗ lực của các cấp hội trong việc triển khai Đề án 939 trong thời gian qua, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: “Hội LHPN tỉnh chú trọng nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Do đó, thời gian tới, các cấp hội sẽ đẩy mạnh hoạt động trao sinh kế, đào tạo nghề; tăng cường phối hợp với các bên liên quan giúp chị em tiếp cận với thương mại điện tử, tạo điều kiện phát triển, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số, nâng cao hiệu quả kinh doanh”.
DIỆU LINH