Bác sĩ phải có được sự tin tưởng của bệnh nhân và đồng nghiệp
Sau hơn 30 năm công tác tại BVÐK tỉnh và phấn đấu liên tục, mới đây bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ông được biết đến là người có chuyên môn vững, không ngại tìm hiểu, cập nhật kiến thức, say mê làm chủ những kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Kỹ thuật đại trà sẽ được ưu tiên phát triển trước
● Với vai trò là Trưởng khoa, ông có thể nói về những việc Khoa Ngoại tiết niệu đã và đang làm được?
- Tại Khoa Ngoại tiết niệu đã triển khai thành công các kỹ thuật mới như: Tán sỏi thận qua da, nội soi thận ống mềm, cắt toàn bộ bàng quang và tạo hình bàng quang bằng ruột. Chính vì vậy, đã giúp người bệnh được hưởng kỹ thuật cao tại tỉnh nhà mà không cần đi tuyến trên.
Bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả. Ảnh: T. KHUY
Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng, triển khai và phát triển chuyên môn chuyên ngành ngoại tiết niệu trình độ cao trong khu vực miền Trung. Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc được thực hiện thường quy như: Cắt bỏ u thận, tuyến thượng thận, phẫu thuật tạo hình tiết niệu. Phẫu thuật nội soi tiết niệu đã phát triển mạnh mẽ và thực hiện thường quy như: Tán sỏi nội soi ngược dòng, phẫu thuật nội soi cắt u phì đại tuyến tiền liệt, cắt u bàng quang qua nội soi... Phẫu thuật lấy sỏi san hô thận, phẫu thuật lấy sỏi thận trên thận móng ngựa cũng được thực hiện thường quy đem lại kết quả rất tốt.
● Theo ông, nguyên tắc để phát triển chuyên môn và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại khoa là…
- Khoa Ngoại tiết niệu được thành lập năm 2008. Trước kia, nhờ dự án JICA, Khoa được đầu tư trang thiết bị khá tốt và tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư. Lượng bệnh nhân tại đây rất lớn, đặc biệt là bệnh nhân cần phẫu thuật rất nhiều, chúng tôi không chỉ phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân ở Bình Định mà tiếp nhận người bệnh từ nhiều tỉnh lân cận.
Gần đây, mảng tiết niệu phát triển nhiều kỹ thuật. Muốn phát triển về kỹ thuật phải dựa theo các yếu tố như: Nguồn nhân lực, trang thiết bị, trình độ KHKT. Tại Khoa, chúng tôi phát triển KHKT đi từ cơ bản lên phức tạp. Những kỹ thuật đại trà mà người dân có nhu cầu cao sẽ được ưu tiên phát triển trước.
Không ngừng cập nhật, học hỏi
● Với sự phát triển nhanh chóng của KHKT và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, nhiều năm qua, ông thường xuyên có những sáng kiến có giá trị cao, những công trình khoa học được giới chuyên môn đánh giá tốt. Có khi nào ông nghĩ đã đến lúc ngừng lại?
- Không có đâu, làm sao ngừng lại được! Đã làm người đi chữa bệnh thì luôn muốn bệnh nhân của mình khỏe lại, khỏe rồi thì phải khỏe nhanh hơn, rồi không có di chứng, rồi tới tiết kiệm chi phí… Nó sẽ phải liên tục lớp lớp như thế mới được bệnh nhân và đồng nghiệp tin tưởng, đặc biệt là trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển bùng nổ như hiện nay.
Bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị sỏi thận. Ảnh: T. KHUY
Trước kia, mổ vết mở dài phải mất 3 tháng sau bệnh nhân mới dần hồi phục và bắt đầu làm việc, nhưng với kỹ thuật mới, thời gian bình phục nhanh hơn rất nhiều, lại ít đau hơn. Ứng dụng KHKT, công nghệ trong y khoa ngày càng phát triển, tôi áng chừng cứ 5 năm sẽ có 1 lần diễn ra đột biến.
Ví dụ như ngày trước nhiều người mắc sỏi thận san hô lớn, nhưng khi cuộc sống phát triển, sỏi san hô ngày càng ít bởi người ta quan tâm đến tầm soát sức khỏe thường xuyên hơn, sỏi còn nhỏ đã lo xử lý rồi, họ sẽ tìm đến với mình sớm hơn. Càng về sau này, thế hệ trẻ sẽ càng quan tâm tầm soát sớm và kỹ hơn, sẽ xuất hiện nhiều trường hợp cần được điều trị sớm hơn nữa, khi đó nhu cầu can thiệp tối thiểu sẽ tăng, mà thực tế là nó đang tăng. Đó là tất yếu của cuộc sống và xu hướng phát triển xã hội như vậy sẽ tốt hơn cho bệnh nhân. Cùng với đó là sự phát triển của KHKT, công nghệ. Để chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, việc của chúng tôi là không ngừng học hỏi và làm chủ kỹ thuật.
● Và đó là lý do các kỹ thuật ít xâm lấn được phát triển mạnh...
- Đến nay, Khoa Ngoại tiết niệu đã có 14 năm tuổi, hầu hết các kỹ thuật ít xâm lấn phát triển rất mạnh, làm thường quy, đáp ứng được nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ví dụ như điều trị sỏi tiết niệu có nhiều phương pháp, chẳng hạn tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi, giờ có thêm các phương pháp mới tán sỏi thận qua da, tán sỏi nội soi ống mềm. Đáng lẽ ra chúng tôi triển khai từ năm 2020, nhưng do cả năm 2021 bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên năm 2022 mới tiếp tục triển khai trở lại. 2 kỹ thuật mới này rất hiện đại, chúng tôi hợp tác và nhận sự hỗ trợ, chuyển giao của các giáo sư đầu ngành của Trường ĐH Y Hà Nội.
Sức khỏe bệnh nhân vẫn là điều quan trọng nhất
● Được biết, ngoài vai trò quản lý, ông còn trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy cho đội ngũ bác sĩ trẻ, tạo điều kiện cho họ được học chuyên khoa I, chuyên khoa II, cử các bác sĩ đi cập nhật kiến thức phẫu thuật chuyên sâu, hướng dẫn và đào tạo các phẫu thuật chuyên ngành tiết niệu cho bác sĩ tuyến dưới…?
- Đó là những việc tôi nên làm và ai đứng ở vị trí là người đi trước như tôi cũng sẽ làm. Để có thể đào tạo được một bác sĩ mất khoảng 10 năm, bên đào tạo và bên được đào tạo đều phải nỗ lực liên tục và nói thật là rất vất vả.
Tôi hay nói chuyện với các bác sĩ trẻ là làm bác sĩ có 2 việc. Việc thứ nhất là được bệnh nhân và người nhà tin tưởng. Việc thứ hai là đồng nghiệp tin tưởng, điều này rất khó. Đúng là sự tin tưởng của bệnh nhân và người nhà là niềm hạnh phúc rất lớn với người thầy thuốc, nhưng vì người nhà và bệnh nhân không có chuyên môn nên có thể việc này… dễ hơn. Nhưng với đồng nghiệp, nếu mình làm không tốt họ sẽ biết ngay. Do vậy, chỉ có một cách là luôn luôn trau dồi, luôn luôn học hỏi để tốt hơn, hỗ trợ nâng đỡ cho người đi sau cũng chính là một cách để trau dồi!
● Hơn 30 năm gắn bó với nghề y, điều gì làm ông cảm thấy tâm đắc nhất?
- 30 năm công tác là con số không nhỏ nhưng tôi suy nghĩ đơn giản, mình làm bác sĩ thì niềm hạnh phúc nhất của mình là sức khỏe bệnh nhân. Hơn 30 năm công tác, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc, vui - buồn và cả những áp lực, nhưng sau tất cả sức khỏe bệnh nhân vẫn là điều quan trọng nhất.
● Xin cảm ơn bác sĩ!
Bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu (BVĐK tỉnh), sinh năm 1964, quê ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, hiện đang sống ở TP Quy Nhơn.
Năm 1989 - 2001, ông là bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh; từ năm 2001 - 2008, ông đảm nhận chức vụ Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp; từ 2008 đến nay là Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu.
Năm 2010, bác sĩ Hoàng Văn Khả được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; giai đoạn 2011 -
2013 và 2014 - 2016, ông được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; năm 2015, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 2020, ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân...
Bác sĩ Hoàng Văn Khả là chủ nhiệm, cộng sự của nhiều đề tài mang tính thực tế cao như: Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản đoạn lưng tại BVĐK tỉnh Bình Định; Đánh giá kết quả tán sỏi niệu quản bằng nội soi ngược dòng sử dụng năng lượng Laser Holmium tại BVĐK tỉnh Bình Định; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến lấy sỏi san hô thận...
THẢO KHUY (Thực hiện)