Tích cực tập bơi để phòng, chống đuối nước
Sáng 30.7, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày Olympic trẻ em và phát động Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2022. Qua đó, thu hút, kêu gọi sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội đối với sự an toàn của trẻ em, đặc biệt trước tình trạng tử vong do đuối nước diễn biến phức tạp.
Những động thái tích cực
Đầu tháng 5.2022, vụ đuối nước làm 3 thanh thiếu niên ở TX Hoài Nhơn tử vong đã gây ám ảnh trong một thời gian dài với rất nhiều bà con, xóm giềng. Sau đó vài tuần, một em nhỏ 7 tuổi ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) cùng bạn ra hố nước của một công trình đang thi công tại địa phương chơi, không may trượt chân rơi xuống hố tử vong.
Đại diện Ban Tổ chức và đại biểu tặng quà cho một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Quy Nhơn sáng 30.7, trong phần quà có áo phao. Ảnh: N.T
Trên địa bàn tỉnh, đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi đối tượng, lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em, do trẻ không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước và cứu đuối. Qua nhiều vụ đuối nước gây tử vong, điểm chung là nạn nhân được phát hiện đang trong tình trạng nguy cấp, tuy nhiên công tác cứu đuối không thành; trong nhiều trường hợp có 2 - 3 nạn nhân cùng lúc do nỗ lực cứu nhau.
Là một trong những địa phương có khá nhiều vụ tử vong do đuối nước, huyện Tây Sơn đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày Olympic trẻ em và Phát động Toàn dân rèn luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2022 từ giữa tháng 7; đồng thời triển khai một số hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước (25.7).
Theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, từ năm 2019 đến nay, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 nhưng huyện đã mở 8 lớp dạy bơi cho 240 trẻ em các lứa tuổi. Đến nay, trên địa bàn huyện, ngoài 3 hồ bơi ở thị trấn Phú Phong, còn có 4 hồ bơi được lắp đặt tại 4 trường học tiểu học và THCS để phục vụ việc dạy - học bơi cho học sinh và trẻ em của huyện.
“Cơ sở vật chất như vậy là chưa đủ đáp ứng nhu cầu nên huyện đang tiếp tục kêu gọi DN, tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí xây hồ, phổ cập bơi. UBND các xã, thị trấn phải lập bản đồ các địa điểm, vùng nước, công trình có nguy cơ gây đuối nước để cảnh giới và có biện pháp khắc phục; thường xuyên cập nhật tình hình trên địa bàn mình quản lý”, ông Mỹ cho hay.
Sau một vài vụ trẻ tử vong do đuối nước khi đi du lịch cùng gia đình, TP Quy Nhơn đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp dạy bơi, tập huấn kỹ năng cứu đuối, sơ cấp cứu đuối nước cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên sông nước, vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy, các hoạt động thể thao giải trí trên biển, đầm, hồ như mô tô nước, thể thao lặn biển...
“Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tiếp tục duy trì việc tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ ở các vùng trũng, thường xuyên ngập lụt trong mùa mưa…”, ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Quy Nhơn, cho biết.
Cần sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội
Chiều 30.7, Đoàn công tác của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã có mặt tại xã An Hòa (huyện An Lão) để tổ chức lễ khánh thành hồ bơi mới tại Trường Tiểu học số 2 An Hòa. Như vậy, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội, chỉ trong vòng 1 tháng, Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh và Tập đoàn Hưng Thịnh (TP Hồ Chí Minh) đã xây xong 2 hồ bơi cho trẻ em của huyện miền núi này.
Theo ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội, dự kiến vào giữa tháng 8 tới, Hội cũng sẽ tổ chức khánh thành 3 hồ bơi khác ở huyện Vân Canh, Phù Cát và Tuy Phước. “Tính đến giữa tháng 8.2022, Hội đã kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để xây và tặng 11 hồ bơi cho các huyện, thị xã. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động để xây thêm được nhiều hồ, phổ cập bơi trong toàn tỉnh”, ông Hiểu cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng, trong số các loại tai nạn gây ra thương tích ở trẻ, đuối nước hiện vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Cái khó là riêng với việc dạy bơi không thể dạy lý thuyết, mà phải có hồ bơi đủ chuẩn cho trẻ thực hành và rèn luyện, nâng cao kỹ năng. “Việc phủ hồ bơi để phổ cập bơi hết sức cần thiết và cấp thiết. Không chỉ xây nên cái hồ mà công tác bảo quản, bảo trì hồ, nước trong hồ và các phần liên quan phải được tính đến để duy trì hồ bơi lâu dài. Đây cũng là cách các địa phương thuyết phục nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, tài trợ thêm”, ông Hùng nêu quan điểm.
Phát biểu tại buổi lễ sáng 30.7, Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Trung Hiếu kêu gọi các đơn vị, địa phương, DN, trường học và phụ huynh cùng với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn đuối nước; đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, có đủ điều kiện để phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
Các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh những mặt hàng liên quan đến trẻ em, dịch vụ du lịch cần đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, phê duyệt và đề xuất lên cấp trên những chính sách bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, nhất là trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn...
Các em thiếu nhi và người dân trong toàn tỉnh thường xuyên tập luyện TDTT; các địa phương, đơn vị, trường học tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, luyện tập TDTT, phổ cập bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước và cứu đuối cho trẻ em trên địa bàn.
NGỌC TÚ