Vườn cây Nobel - Công trình văn hóa riêng có của Quy Nhơn
Không quá khi nói rằng, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn) là nơi có không gian cảnh quan đẹp, yên bình bậc nhất tỉnh Bình Định. Đến thăm không gian tuyệt đẹp ấy, không ai có thể bỏ qua Vườn cây Nobel.
1. ICISE được quy hoạch với khuôn viên rộng hơn 18 ha. Trong đó, khu trung tâm hội nghị quốc tế rộng 200 nghìn m2 với 3 tầng, gồm hệ thống các phòng hội thảo khoa học và phòng chức năng với các trang thiết bị khác.
Vườn cây Nobel tại ICISE. Ảnh: TRỌNG LỢI
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (người sáng lập ICISE), chia sẻ: Đối với một trung tâm khoa học, cảnh quan đặc biệt quan trọng và Vườn cây Nobel là một phần trong cảnh quan chung của ICISE. Đó là chưa kể, các nhà khoa học họ thường muốn chọn nơi yên tĩnh để trao đổi học thuật, suy ngẫm, thư giãn để tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu mới, không bị tác động bởi các mối quan hệ hay cuộc sống xã hội như nơi trung tâm phố thị. Không gian cây xanh, khung cảnh yên bình là một lợi thế để khơi sáng ý tưởng.
Từ lúc thành lập ICISE đến nay, 16 giáo sư đoạt giải Nobel và giải thưởng Fields (Toán học) đã trồng cây lưu niệm tại Vườn cây Nobel. Ngoài ra, xung quanh khu vườn có hàng chục loài cây xanh khác do lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành Trung ương… trồng lưu niệm, góp phần tạo nên một không gian thư thái đặc biệt cho ICISE.
2. Nhắc đến Vườn cây Nobel, TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, xúc động kể lại: Cố GS người Mỹ gốc Do Thái Jack Steinberger (1921 - 2020), giải Nobel Vật lý năm 1988, là nhà khoa học danh tiếng đầu tiên trồng lưu niệm ở đây một cây hoa sứ trắng vào năm 2013. Trước đó, vị giáo sư đáng kính này đã từng tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm 1993 theo lời mời của GS Trần Thanh Vân.
GS Duncan Haldane (bên trái - đạt giải Nobel Vật lý năm 2016) trồng cây lưu niệm tại Vườn cây Nobel. Ảnh: TRỌNG LỢI
TS Trần Thanh Sơn kể: “Thời điểm đó, Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Thế nhưng, ngay khi đặt chân đến Việt Nam,
GS Jack Steinberger vẫn dành cho Việt Nam tình cảm hết sức đặc biệt. Sau khi về nước, giáo sư đã viết một lá thư đề nghị Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Trước khi gửi đến Nhà Trắng vào tháng 12.1993, GS Jack Steinberger có gửi lá thư cho GS Vân đọc. Thật bất ngờ, một tháng sau, tháng 1.1994, Văn phòng Nhà Trắng có thư hồi đáp đến ông rằng Tổng thống đã nhận được. Ngày 3.2 năm đó, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai quốc gia”.
GS Jack Steinberger đã mất, nhưng hình ảnh một nhà khoa học vĩ đại, gần gũi, vui tính còn khắc sâu trong tiềm thức của nhiều người Việt Nam. Cuối tháng 7.2022, khi tôi đến, cây hoa sứ do chính tay giáo sư trồng phát triển tốt, xanh tươi và nở hoa rất đẹp, thơm ngát.
3. Điều khác lạ, loại cây được trồng trong Vườn cây Nobel rộng chừng 500 m2 chủ yếu là hoa sứ, vạn niên tùng và thần tài núi có thân nhỏ, thấp, tán lá sum suê. TS Trần Thanh Sơn cho rằng các nhà khoa học có lối sống giản dị. Vì vậy, họ thường chọn cây thân nhỏ, cứng cáp để trồng lưu niệm. Họ mong muốn, Vườn cây Nobel nơi này sẽ là niềm cảm hứng, khơi dậy tình yêu khoa học cho các bạn trẻ mỗi khi đến đây.
“Hơn nữa, chúng tôi dành một phần diện tích để lập nên Vườn cây Nobel với mong muốn các nhà khoa học đoạt giải Nobel, các nhà khoa học nổi tiếng từng được trao giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới khi đến với ICISE của Việt Nam thì trồng một cây xanh lưu niệm ở đây. Điều đó sẽ rất tốt, khi chúng ta đã tạo cho họ có cảm giác gần gũi như đang sinh sống trên chính quốc gia của mình, đồng thời giữ mối liên hệ của họ với TP Quy Nhơn và ICISE. Và, cây xanh khi tỏa lan rễ vào lòng đất hút nước, dinh dưỡng để nuôi cành xanh lá, tỏa bóng mát cũng tượng trưng cho tâm hồn, ý chí và nỗ lực phụng sự nhân loại của họ”, TS Trần Thanh Sơn cho biết ý tưởng và mục đích của Vườn cây Nobel.
Cùng các bạn tranh thủ đến tham quan Vườn cây Nobel vào một chiều giữa tháng 7.2022 sau Hội nghị khoa học quốc tế “Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện” vào tháng 7.2022 tại ICISE, em Phan Hà Lê Phương, lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Khiết, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đi trên thảm cỏ xanh mịn, len lỏi vào những hàng cây hoa sứ, tùng la hán xanh mướt, trầm trồ: “Ở trong khu vườn, em có cảm giác rất thoải mái, yên bình. Mỗi sớm mai hoặc chiều mát được ngồi dưới tán cây đọc sách, tìm hiểu tư liệu nghiên cứu sẽ vô cùng tuyệt vời, thích thú…”.
Theo TS Trần Thanh Sơn, từ nay đến tháng 9 tới, tại ICISE sẽ hình thành thêm con đường Nobel đặc biệt. Rất nhiều ý tưởng độc đáo sẽ xuất hiện khi các nhà khoa học trao đổi với nhau trên con đường tản bộ đó… Khi đó, ICISE vốn đã đẹp, càng trở nên đẹp, thơ mộng hơn.
Như lời chia sẻ của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - với vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong chuyến đến thăm ICISE vào sáng 27.7, rằng: Trung ương và địa phương sẽ luôn tạo điều kiện để vợ chồng giáo sư xây dựng và phát triển ICISE. Tại tỉnh Bình Định, những lãnh đạo lớp sau sẽ càng quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để cùng với giáo sư xây dựng, phát triển trung tâm trở thành điểm đến của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới khi đặt chân đến Việt Nam, nhằm chia sẻ kiến thức khoa học với các thế hệ trẻ nước nhà.
TRỌNG LỢI