Tìm thêm kênh tiêu thụ cho nông sản địa phương
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương tổ chức, tham dự 15 hội nghị kết nối tiêu thụ, tuần lễ trái cây, ngày hội nông sản… trên cả nước. Không chỉ ở cấp tỉnh, nhiều huyện, thị xã trong tỉnh cũng tổ chức các sự kiện quảng bá, kết nối cung - cầu để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN II Nhơn Thọ (TX An Nhơn), cho biết: “Chúng tôi ứng dụng công nghệ cao, tích cực chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại hoa màu, như: Ớt, dưa lê, dưa kim hoàng hậu, dưa lưới vỏ xanh và các loại rau. HTX mong muốn được kết nối dài hạn với các hệ thống siêu thị, từng bước phát triển thương hiệu…
Rau, củ, quả của Lá Lành và Marukajiri bán tại siêu thị Go!. Ảnh: HẢI YẾN
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ marketing, siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, siêu thị tổ chức nhiều đợt khảo sát, kết nối nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa nhiều loại nông sản lên kệ hàng như mong muốn vì khá nhiều loại nông sản chưa thỏa mãn yêu cầu về các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo số lượng theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm…
Hiện nay, rau, củ, quả mang nhãn hiệu Lá Lành và Marukajiri (Công ty CP Kei’s Bình Định, TX An Nhơn) đủ tiêu chuẩn vào bán tại siêu thị GO! Siêu thị bố trí 2 gian hàng lớn với đủ loại rau, dưa leo, cà chua, súp lơ, bắp cải… Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Giám đốc siêu thị Go! cho biết: Nhiều loại trái cây đặc sản của tỉnh Bình Định có chất lượng tốt nhưng trên thực tế lại thiếu các chứng nhận cần thiết về chất lượng (thông tin truy xuất nguồn gốc, chứng nhận dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…) để vào được siêu thị.
Để hỗ trợ các HTX, nhà vườn, nông dân tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, Sở Công Thương triển khai nhiều hoạt động như: Ra mắt ấn phẩm Sản phẩm OCOP Bình Định để quảng bá cho 51 sản phẩm đạt danh hiệu OCOP năm 2021; tổ chức khu gian hàng “Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam” tại Hội chợ Thương mại quốc tế VietNam Expo 2022 tại Hà Nội; tổ chức khu gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của Hàn Quốc, Bình Định tại sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022 tại TP Quy Nhơn; phối hợp tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi tại các huyện, thị xã: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão; tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022…
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc sản của tỉnh đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại, qua đó giúp khắc phục được một phần tình trạng “được mùa rớt giá”. Song, do tỉnh ta còn thiếu DN đầu mối thu gom hàng hóa, thiếu các cơ sở sản xuất đủ sức tạo cầu nối với các DN phân phối, các siêu thị trong nước nên nông sản Bình Định ít có cơ hội đi xa, có thể lên kệ tại các chuỗi siêu thị. Mặt khác, do quản lý thị trường nông sản có nơi chưa chặt chẽ dẫn đến hiện tượng một vài sản phẩm có thương hiệu mạnh bị pha trộn với các sản phẩm khác cùng loại, làm giảm uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường.
Khắc phục điểm yếu trên, tỉnh và các địa phương từng bước tự tổ chức ngày hội nông sản, hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản. Điển hình, UBND huyện Hoài Ân tổ chức quảng bá, xây dựng được thương hiệu bưởi da xanh Hoài Ân. Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản của huyện vào tháng 6.2022 giúp HTXNN thanh niên Hoài Ân hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nông nghiệp Chấn Hưng Sinh Lợi ở TP Hồ Chí Minh. Tập đoàn này đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 127 nông hộ, hỗ trợ triển khai việc xây dựng mã số vùng trồng cho các loại trái cây như bưởi da xanh, mít Thái, quýt đường để đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Trung Quốc. Sở Công Thương tổ chức cho DN, HTX trong tỉnh ký kết bản ghi nhớ hợp tác với các siêu thị, nhà phân phối với các chợ đầu mối Bình Điền, TP Hồ Chí Minh; siêu thị, sàn thương mại điện tử…
HẢI YẾN