Ðể vơi bớt nỗi lo tai nạn tàu cá
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trong giai đoạn 2015 - 2020 đã xảy ra 954 vụ tai nạn đối với tàu cá Bình Định. Từ năm 2021 đến nay, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác cứu hộ, cứu nạn của các cấp, ngành, tai nạn tàu cá vẫn để lại nhiều tổn thất nặng nề.
Nhiều nguyên nhân gây tai nạn
Theo Chi cục Thủy sản, trong 954 vụ tai nạn tàu cá Bình Định ở giai đoạn 2015- 2020, có 496 trường hợp bị hỏng máy, 182 trường hợp bị tai nạn lao động, 126 trường hợp bị thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới), 63 trường hợp bị đâm va, mắc cạn... gây nhiều tổn thất nặng nề. Cụ thể, có 213 người chết và mất tích, 46 người bị thương, 94 tàu cá bị chìm hoàn toàn, 672 tàu cá bị thiệt hại tài sản.
Tàu cá ở Cảng cá Đề Gi (Phù Cát). Ảnh: H.THU
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, trong năm 2021 xảy ra 107 sự cố tàu thuyền, trong đó chìm 12 phương tiện, hư hỏng 4 phương tiện; 56 thuyền viên chết, 10 người mất tích, 38 người bị thương.
Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ riêng hệ thống trạm bờ của Chi cục Thủy sản đã tiếp nhận thông tin 17 sự cố tàu cá.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh cho biết: Qua điều tra tai nạn tàu cá trong giai đoạn 2015 - 2020, có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là nhiều tàu cá chưa tuân thủ việc kiểm tra an toàn kỹ thuật theo thời gian quy định. Có đến 97,75% tàu cá Bình Định là tàu vỏ gỗ; 35,21% tàu vỏ gỗ có tuổi thọ hơn 10 năm, thường có nhiều nguy cơ tiềm ẩn bên trong về tính liên kết, sức bền của kết cấu thân tàu, cũng như khả năng chịu tác động của sóng, gió và ngoại lực. Máy chính được lắp đặt trên tàu cá hầu hết là máy cũ đã qua sử dụng, trong đó có nhiều máy kém chất lượng, thường gây ra các hỏng hóc. Tàu cá đưa các thiết bị vào sử dụng chưa tính toán, kiểm tra kỹ để đảm bảo an toàn, gây ra nhiều tai nạn cho thuyền viên...
Theo ông Vinh, thực tế nhiều tàu có trang bị phương tiện cứu sinh như áo phao, dụng cụ nổi, nhưng lại thường cất tập trung ở nơi không dễ lấy nhanh để sử dụng khi có sự cố bất ngờ. Đối với áo phao cá nhân, cần nhắc nhở thuyền viên phải mặc trong lúc làm việc và cả lúc nghỉ ngơi khi có thời tiết xấu trên biển.
“Từ việc chủ quan không mặc áo phao của thuyền viên dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc khi không may tàu bị lật, chìm, hoặc thuyền viên bị trượt ngã, sóng cuốn, gió tạt xuống biển…”, ông Vinh phân tích.
Cần sự quan tâm, phối hợp từ nhiều phía
Theo ông Trần Văn Vinh, để góp phần giảm thiểu tai nạn tàu cá, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, thực hiện công tác đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với tàu cá đúng theo thời gian quy định. Công tác này cũng sẽ được các ban quản lý cảng cá, tổ IUU (chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), các đơn vị liên quan kiểm tra chặt chẽ hơn đối với tàu cá trước khi xuất bến.
Bên cạnh nỗ lực quản lý, hỗ trợ cứu nạn của các cấp, ngành, yêu cầu quan trọng là chủ tàu, thuyền viên cần nâng cao nhận thức để giảm thiểu tai nạn.
Ngư dân giàu kinh nghiệm Phan Thanh Tỉnh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu BĐ-91063TS chuyên khai thác xa bờ), chia sẻ: Muốn vươn khơi bám biển hiệu quả, trước hết các chủ tàu cần cố gắng đầu tư các thiết bị, vật dụng cần thiết phải có theo quy định để đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá và thuyền viên của mình. Trong đó, việc lắp đặt và đảm bảo hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, cùng các phương tiện thông tin liên lạc là vô cùng quan trọng để kịp thời báo tin, xác định được vị trí khi tàu gặp sự cố trên biển.
Tàu SAR 27-01 tiếp nhận 4 thuyền viên tàu BĐ-91464TS (đang leo xuống) được tàu Pacific Spirit (Hong Kong) cứu vớt đêm 20.7. Ảnh: Báo CAND.
Một sự việc điển hình gần đây, sáng 20.7, tàu cá BĐ-91464TS (có 4 thuyền viên) bị phá nước tại vùng biển cách TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 121 hải lý. Trước khi tàu chìm, chủ tàu đã kịp liên lạc qua điện thoại vệ tinh đến Chi cục Thủy sản tỉnh đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Sau đó, nhận được tin báo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã chuyển thông tin đến Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực IV, đồng thời đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều động tàu SAR 27-01 đang trực tại Nha Trang đi cứu nạn.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản cũng thông báo, kêu gọi các tàu ở gần khu vực tàu bị nạn có sự hỗ trợ. Đêm 20.7, tàu Pacific Spirit (Hong Kong) đã gặp, cứu vớt được 4 thuyền viên tàu BĐ-91464TS, sau đó bàn giao cho tàu SAR 27-01 để đưa về cảng Nha Trang an toàn vào sáng 21.7.
HOÀI THU