Các chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Ða dạng, thiết thực, toàn diện
Bên cạnh việc phát huy nội lực, thời gian qua ngành Y tế Bình Ðịnh còn được nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ. Từ những chương trình đa dạng, thiết thực, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được toàn diện hơn, qua đó còn giúp người dân có thêm điều kiện tiếp cận với nhiều tiến bộ y khoa.
Từ hỗ trợ trang thiết bị…
Nhắc đến các dự án hỗ trợ ở ngành Y tế, không thể không nhắc đến Dự án JICA của Chính phủ Nhật Bản. Nhiều năm qua, từ sự hỗ trợ của JICA, các cơ sở y tế của Bình Định có thêm nhiều trang thiết bị hiện đại. Không chỉ vậy, Dự án còn khảo sát kỹ nhu cầu của từng đơn vị để hỗ trợ chính xác, không gây lãng phí. Bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa ngoại tiết niệu (BVĐK tỉnh), chia sẻ: Chúng tôi được Dự án JICA hỗ trợ rất nhiều và họ còn tư vấn để chúng tôi có hướng sử dụng hiệu quả trang thiết bị hỗ trợ.
Tầm soát võng mạc đái tháo đường cho người dân. Ảnh: HIỀN NGÔ
Sau Dự án JICA, Bình Định hiện có các dự án như: Phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường tại cộng đồng, do Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc và tổ chức Fred Hollow Foundation tài trợ; Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em, do Tổ chức Orbis - Mỹ tài trợ; Hỗ trợ người khuyết tật vận động và Hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng bền vững và đa chuyên ngành cho người khuyết tật nặng, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; Cung cấp trang thiết bị y tế cho TTYT TP Quy Nhơn, sử dụng vốn ưu đãi do Chính phủ Hàn Quốc cung cấp.
Dự án Phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường tại cộng đồng tỉnh Bình Định được UBND tỉnh phê duyệt tháng 12.2018, triển khai tại 3 huyện, thành phố, gồm: Phù Cát, Hoài Ân, Quy Nhơn. Dự án đã triển khai các hoạt động truyền thông sức khỏe nâng cao nhận thức người dân trong chăm sóc mắt và ngăn ngừa tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn sớm; tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng; hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nghèo. Mặt khác, Dự án còn hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế, cung cấp trang thiết bị và phát triển hệ thống chuyển tuyến hiệu quả cho bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường.
Từ đầu năm đến nay, Dự án Phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường tại cộng đồng tỉnh Bình Định đã khám chụp ảnh màu đáy mắt cho 430 bệnh nhân đái tháo đường, nhờ đó đã phát hiện 39 người mắc bệnh võng mạc đái tháo đường. Dự án còn tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bệnh đái tháo đường, võng mạc đái tháo đường; tổ chức tư vấn về bệnh võng mạc đái tháo đường cho 327 bệnh nhân.
Bà T.T.T (ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát), chia sẻ: Tôi mắc bệnh đái tháo đường nhưng chưa biết đến chuyện cần khám tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường. Sau khi khám tầm soát, tôi được cung cấp các thông tin cần thiết về dự phòng bệnh đái tháo đường và võng mạc đái tháo đường. Qua đó, tôi có thêm kiến thức phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường và điều trị kịp thời, tránh mù lòa.
Trước đó, dự án Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định do Tổ chức Orbis Quốc tế tại Việt Nam tài trợ cũng đã đem lại kết quả tích cực. Theo đó, dự án đã có những hoạt động như: Thành lập và đưa vào hoạt động Khoa mắt trẻ em tại Bệnh viện Mắt Bình Định, cung cấp nhiều dịch vụ có chất lượng bao gồm khám, điều trị và phẫu thuật các bệnh mắt trẻ em như lác/lé, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh, tăng nhãn áp (glocom)...; xây dựng mạng lưới chăm sóc mắt trẻ em và cơ chế chuyển tuyến theo mô hình chăm sóc mắt trẻ em toàn diện và liên tục từ cộng đồng đến cơ sở y tế; BVĐK tỉnh là nơi đầu tiên ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên có đủ khả năng khám sàng lọc và điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP); nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành trong phòng và điều trị bệnh về mắt ở trẻ em cho cộng đồng...
… Đến giúp phục hồi chức năng
Dự án Hỗ trợ người khuyết tật vận động và dự án Hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng bền vững và đa chuyên ngành cho người khuyết tật nặng do USAID tài trợ đã và đang hỗ trợ tích cực cho những người khuyết tật.
Theo bác sĩ Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ dụng cụ trợ giúp có chất lượng và phù hợp cho người khuyết tật vận động, bao gồm: Dụng cụ trợ giúp sinh hoạt hằng ngày; dụng cụ giúp di chuyển (xe lăn, xe lắc, gậy, nạng, khung tập đi); dụng cụ thay thế (tay, chân giả); dụng cụ chỉnh hình (nẹp tay chân, cột sống). Người khuyết tật được khám sàng lọc và chỉ định cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp cho từng cá nhân, phù hợp với nhu cầu, điều kiện sống sinh hoạt của họ… Qua đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật được thuận lợi trong sinh hoạt hằng ngày, học tập, mưu sinh và hội nhập xã hội. Dự án còn hỗ trợ thành lập Khu khám và điều trị phục hồi chức năng đa ngành tại Bệnh viện với các phòng chức năng như: Ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, phòng khám và chỉ định dụng cụ trợ giúp, phòng thực hành chức năng sinh hoạt hằng ngày, xưởng sửa chữa...
Bà V.T.A (60 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) bị sốt bại liệt từ lúc mới 11 tháng tuổi, sau đó yếu liệt 2 chân, teo cơ 2 chân. Các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bà khó khăn, di chuyển trong nhà bằng ván trượt. Sau khi được khám xác định nhu cầu dụng cụ trợ giúp, bà được xác định dụng cụ trợ giúp là xe lăn. Bà V.T.A chia sẻ: Bản thân không làm gì được, mọi việc đều nhờ người nhà trợ giúp. Có xe lăn hỗ trợ, việc di chuyển được an toàn và thuận tiện hơn.
Theo kế hoạch của Sở Y tế, thời gian đến, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế đang được triển khai tại tỉnh.
THẢO KHUY - HIỀN NGÔ