VIẾT TIẾP BÀI “Ô NHIỄM TỪ SƠ CHẾ MỰC XÀ, NGƯỜI DÂN KÊU CỨU”:
Người dân phải chịu đựng đến bao giờ?
Báo Bình Định số ra ngày 15.7.2022 có bài viết “Ô nhiễm từ sơ chế mực xà, người dân kêu cứu”, phản ảnh việc hàng nghìn hộ dân ở thôn An Quang Đông và An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) nhiều năm nay phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các cơ sở sơ chế mực xà ở địa phương gây ra.
Theo UBND xã Cát Khánh, trước tình trạng này, ngành chuyên môn đã lấy mẫu nước thải từ các cơ sở để kiểm tra; kết quả các chỉ số ô nhiễm vượt gấp nhiều lần mức cho phép. UBND huyện Phù Cát đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 15 cơ sở, với mức phạt từ 24 - 67 triệu đồng/cơ sở. Đại diện lãnh đạo UBND xã Cát Khánh, UBND huyện Phù Cát và phòng chuyên môn của huyện cũng cam kết sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng này.
Hoạt động sơ chế mực xà tại một cơ sở ở khu vực nghĩa địa thôn An Quang Tây (ảnh chụp ngày 31.7). Ảnh: V.L
Thế nhưng, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8.2022, hoạt động của các cơ sở sơ chế mực xà tại thôn An Quang Đông và An Quang Tây vẫn tấp nập; trong đó có cả 15 cơ sở vừa bị UBND huyện Phù Cát ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Hằng ngày, lượng lớn chất thải từ mực xà và nước thải đen ngòm được các cơ sở sơ chế thải trực tiếp ra môi trường, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sức khỏe người dân; mà còn khiến việc nuôi thủy sản và trồng cây lâu năm, cây ăn trái của nhiều hộ dân gặp khó khăn.
Nước mương đen ngòm từ chất thải của các cơ sở sơ chế mực xà. Ảnh: V.L
Ông Nguyễn Văn Dương, ở thôn An Quang Tây, than thở: “Người dân thì bị mùi hôi thối từ sơ chế mực “tra tấn” hằng ngày. Còn lồng bè nuôi hải sản bị nước thải từ hoạt động này xâm nhập, khiến cá, tôm không phát triển hoặc bị chết. Ngoài ra, nước thải từ việc rửa mực có độ mặn rất cao; khi thải ra môi trường ngấm vào đất, ảnh hưởng đến các loại cây trồng trên cạn, khiến cây không thể phát triển”.
VIDEO: VĂN LỰC
Được biết, gần đây, UBND xã Cát Khánh lập nhiều chốt chặn tại các thôn An Quang Đông, An Quang Tây, Chánh Lợi để ngăn chặn nguồn mực nguyên liệu từ các nơi nhập về. Vậy nhưng, vào thời gian cao điểm (từ ngày 28 đến ngày 12 âm lịch hằng tháng), khối lượng lớn mực xà nguyên liệu vẫn “cập bến”; chủ các cơ sở sơ chế đối phó bằng cách dùng xe máy hoặc xe máy kéo rơ-moóc chở từng chuyến nhỏ lẻ để đưa mực về sơ chế.
Tập kết mực xà tại khu vực cảng cá Đề Gi (ảnh chụp ngày 31.7). Ảnh: V.L
Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, địa phương rất “đau đầu” trong việc xử lý tình trạng này. UBND huyện đã chỉ đạo xã Cát Khánh và các phòng chức năng liên quan của huyện tuyên truyền, vận động người dân bỏ nghề sơ chế mực xà để bảo vệ môi trường, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.
Về chế tài, UBND huyện cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 15 cơ sở sơ chế mực xà ở thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Tuy nhiên, đến nay nhiều chủ cơ sở chưa chấp hành việc nộp phạt.
“Tới đây, UBND huyện sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ cơ sở không tự giác chấp hành. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu nước thải của các cơ sở còn lại để kiểm nghiệm, nếu vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. UBND huyện cũng sẽ mời Sở TN&MT, Sở NN&PTNN về địa phương làm việc, kiểm tra để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm việc sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường”, ông Luận cho hay.
Mực phơi ngay cạnh mồ mả. Ảnh: V.L
Có thể thấy, đến nay, chính quyền địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do sơ chế mực xà; còn các chủ cơ sở tiếp tục hoạt động bất chấp vi phạm về môi trường. Điều này sẽ khiến môi trường đất, nước và không khí ở thôn An Quang Đông, An Quang Tây nói riêng, xã Cát Khánh nói chung bị đe dọa nghiêm trọng. Cùng với đó, cuộc sống, sức khỏe của hàng nghìn người dân ở địa phương tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực.
Người dân phải chịu đựng tình trạng này đến bao giờ? Đây là câu hỏi mà UBND xã Cát Khánh, UBND huyện Phù Cát và các ngành chức năng liên quan cần sớm có câu trả lời.
VĂN LỰC