Nông dân Tây Sơn vui vì mè được mùa, được giá
Vụ Hè Thu năm 2022, huyện Tây Sơn trồng hơn 503 ha mè, tăng gần 20 ha so với cùng kỳ năm 2021 và tăng tới 120 ha so vụ Hè Thu năm 2020. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Bình Thuận, với 414,2 ha. Cây mè đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân địa phương.
Sở dĩ xã Bình Thuận phát triển cây mè mạnh như hiện nay là do “ăn theo” diện tích trồng đậu phụng. Cây mè là loại cây trồng ngắn ngày, khả năng chịu hạn tốt, dễ luân canh; hơn nữa dinh dưỡng, chất đạm tồn dư trong đất sau khi thu hoạch đậu phụng đủ giúp cho cây mè phát triển tốt. Cách thức và điều kiện canh tác cây mè tương tự cây đậu phụng nên nông dân dùng luôn hệ thống béc phun tưới đậu phụng cho cây mè, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Nông dân xã Bình Tân thu hoạch mè. Ảnh: M. MIÊN
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, diện tích cây mè ở Bình Thuận tăng lên hằng năm. Tính từ năm 2017 đến nay, tổng diện tích tăng thêm đã lên tới 264 ha. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mè lại ổn định trong nhiều năm liền nên nông dân trồng mè có rất nhiều thuận lợi. Diện tích cây mè không ngừng mở rộng và nếu không có đột biến thì tương lai đây sẽ là loại cây trồng cạn chủ lực thứ 2 của địa phương sau cây đậu phụng.
Sau Bình Thuận, xã Bình Tân là địa phương thứ hai có tốc độ phát triển cây mè cao. Bà Nguyễn Thị Gái (thôn Phú Hưng, xã Bình Tân) cho hay: Nhà có diện tích đất gò tương đối lớn, nhưng nhiều năm qua không thay đổi gì nhiều ngoài canh tác các loại đậu luân canh với mè, có năm trồng gần cả héc ta. Riêng năm nay nhà neo người nên chỉ làm được 8 sào. Sau khi thu hoạch đậu phụng vụ Đông Xuân, khoảng tháng 3 âm lịch tôi xuống giống trồng mè, rồi khoảng 75 ngày sau là thu hoạch. Xong đâu đó tôi cho đất nghỉ, phục hồi độ màu mỡ, chờ đến vụ Đông Xuân lại xuống giống trồng đậu phụng tiếp. So với cây mì, làm cây mè hiệu quả hơn nhiều, tận dụng được công gia đình, không cần thuê mướn. Thời gian trồng mè lại ngắn, nên rủi ro về thời tiết rất thấp, công chăm sóc, đầu tư lại ít, phần thắng lợi lại cao nên nhiều bà con coi trồng mè như một cách giảm bớt căng thẳng trong canh tác.
Tương tự, bà Thái Thị Điều (xóm 1, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân) vừa thu hoạch xong 6 sào mè, cho biết: Vợ chồng tôi lớn tuổi nên không kham được nhiều, năm nào cũng luân canh trồng đậu - mè trên 6 sào đất. Sau khi thu hoạch đậu đen, hoặc đậu phụng thì trồng mè vụ Hè. Dù không có điều kiện chăm sóc cây mè cho đầy đủ, chu đáo như nhiều người khác, nhưng tôi thấy kết quả cũng rất khá. Năm nay giá mè cao hơn năm ngoái, lại giữ giá ổn định suốt từ đầu vụ tới nay. Nhìn chung vụ mè năm nay thuận lợi, được mùa, được giá, nông dân phấn khởi. Tôi thu hoạch 6 sào mè được hơn 2,4 tạ, lãi 7 triệu đồng.
Ông Trương Thế Việt, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, chia sẻ: Cây mè là loại cây trồng cạn có nhiều ưu điểm: Dễ trồng, dễ sống, chống chịu sâu bệnh và nắng nóng khá tốt, thời gian sinh trưởng ngắn. Nếu gieo giống đều, chịu khó dặm tỉa, tưới đủ nước, làm cỏ kỹ và bổ sung tăng phân bón hữu cơ thì năng suất, thu nhập từ cây mè sẽ còn cao hơn. Năm nay trời ít gió Nam nên cây mè có thêm thuận lợi để sinh trưởng phát triển, đặc biệt giai đoạn cho trái. Đến nay, bà con nông dân trong huyện đã thu hoạch trên 70% diện tích, năng suất bình quân đạt hơn 40 kg/sào, với giá bán hiện nay từ 45.000 - 47.000/kg, bà con lãi hơn 1 triệu đồng/sào.
Cây mè có nhiều ưu thế nên được nhiều nông dân chọn đầu tư. Để hỗ trợ nông dân, huyện Tây Sơn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thâm canh cây mè, giới thiệu đến bà con nhiều bộ giống mới phẩm cấp cao; đồng thời thực hiện các chính sách, hỗ trợ đối với các diện tích chuyển từ đất lúa, đất mì, đất mía kém hiệu quả sang trồng mè.
MỘC MIÊN