Cùng Mai Thìn “lau dọn ký ức”
Thơ Mai Thìn đã cứu rỗi đời anh. Đó là cảm giác của tôi khi đọc chậm từng bài thơ của anh. Và dừng lại lâu trước bài thơ Lau dọn ký ức. Chả là, thơ tôi bây giờ cũng là loại thơ “lau dọn ký ức”. Vì sao lại lau dọn ký ức, khi mình chưa thể nào quên bất cứ điều đáng nhớ nào? Nhưng ký ức là vậy, nó cần lau dọn để sáng hơn trong đầu người làm thơ. Ở một độ tuổi cao nhất định nào đó, con người lại sống nhiều về ký ức, thậm chí, sống nhờ ký ức. Ngày tôi còn trẻ, quá trẻ để có thể sống bằng ký ức, trong một bài thơ hồi chiến tranh mà tôi bị “đánh”, tôi có hai câu thơ thế này: “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm/ Không dựa dẫm những hào quang có sẵn” (Một người lính nói về thế hệ mình).
Đúng là hồi còn trẻ ấy tôi đã thật lòng nghĩ như vậy. Không dựa dẫm những hào quang có sẵn, thì tới bây giờ tôi vẫn như vậy. Nhưng “thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm” thì hơi cực đoan. Kỷ niệm hay ký ức là một phần không thể thiếu, phần rất quan trọng của đời sống con người. Phải tới ngoài 70 tuổi tôi mới nhận ra một cách thấm thía điều đó. Nhất là khi mình đã viết rất nhiều về ký ức, và bây giờ, lại được đọc Lau dọn ký ức của một nhà thơ cỡ tuổi em mình. Xin được phép chép ra đây.
LAU DỌN KÝ ỨC
Lâu lâu con lại về ngôi nhà xưa
lau dọn từng ký ức
sáng lên dưới lớp bụi mờ
mà như thấy mẹ đi mẹ đứng mẹ nằm mẹ ngồi
dáng còng liêu xiêu
cơi trầu nhẫn nại
mấy chục năm rồi vẫn không già hơn
nghe như ca cẩm, nghe như dỗi hờn
kẽo kẹt từng tiếng mọt
vọng ngày xưa
võng đưa…
lâu lâu con lại về
lau chùi từng ký ức
như lau gương mặt mẹ
mừng vui dưới bụi mờ
…
Một bài thơ thật cảm động, không nhiều lời mà xiết bao day dứt, bao nhớ thương, và cả bao hối tiếc. Chúng ta, những đứa con, khi cha mẹ mình mất đã lâu rồi, thì thời gian càng lâu càng xa, nỗi nhớ niềm thương càng đong đầy. Đó chính là quy luật của ký ức.
Vâng, hồi trẻ chúng ta có cả cuộc đời trước mặt. Bây giờ, chúng ta còn ký ức ám ảnh. Nó cho ta sở hữu lòng biết ơn, nỗi ân hận, cả những xót xa và nhớ tiếc. Mai Thìn đã gọi lại được ký ức của chính mình, và không chỉ của mình. Anh gọi giùm cho tôi, và có thể, cho nhiều người khác nữa. Những người biết nhớ thương, biết ân hận, biết bây giờ tất cả chỉ còn trong ký ức.
Nhiều buổi sáng, vợ chồng tôi đều đã ngoài tuổi 70, ngồi nhớ lại cha mẹ mình, nhớ lại từng câu chuyện cũ, từng dáng nét cũ. Như một thôi thúc từ bên trong của những đứa con, vậy thôi. Cảm ơn nhà thơ Mai Thìn, và tôi xin đồng cảm cùng anh.
THANH THẢO