Áp thuế chống bán phá giá 42,99% với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN
Ngày 1.8, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Theo đó, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar, nếu sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan, sẽ bị áp cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan. Tổng mức thuế áp dụng là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Tuy nhiên đường nhập khẩu từ 5 quốc gia kể trên, nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia sở tại, sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày Quyết định được ban hành cho đến ngày 15.6.2026, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết phối hợp với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan để theo dõi, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tình hình sản xuất, cung - cầu, giá cả... của các sản phẩm đường. Từ đó, tiếp tục triển khai công cụ quản lý phù hợp nhằm hài hòa lợi ích giữa người dân trồng mía, DN sản xuất và tiêu thụ đường, cũng như người tiêu dùng.
Trước khi ban hành Quyết định số 1514, Bộ Công Thương đã 2 lần gia hạn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ sản phẩm đường mía của Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Trên cơ sở thu thập, tổng hợp thông tin và ý kiến do các bên liên quan cung cấp, Bộ Công Thương kết luận việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của các DN từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu đường được khai báo có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10.2020 đến tháng 6.2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó. Cụ thể, lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.
(Theo NNVN)