Tái tạo nguồn lợi, hỗ trợ sinh kế bền vững cho ngư dân
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bình Ðịnh triển khai 2 dự án khôi phục hệ sinh thái vùng biển, tăng cường nhận thức cho cộng đồng dân cư, từng bước thay đổi thói quen của ngư dân vùng ven biển. Các dự án này góp phần giữ gìn, phục hồi hệ sinh thái biển gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó củng cố sinh kế bền vững cho ngư dân.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2019 - 2021, Dự án “Nâng cao năng lực các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô vùng biển ven bờ vùng vịnh Quy Nhơn” (gọi tắt là Dự án Vịnh Quy Nhơn) do Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ thực hiện tại 4 phường, xã gồm: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng; thành lập 4 tổ chức cộng đồng với 220 thành viên, hoạt động theo phương thức đồng quản lý. Các tổ chức cộng đồng được giao quyền đồng quản lý vùng biển rộng 46 ha (Nhơn Châu hơn 20 ha, Nhơn Lý hơn 8 ha, Nhơn Hải hơn 12 ha, Ghềnh Ráng hơn 5 ha).
Nhờ tác động của các dự án, HTX Dịch vụ du lịch - Thủy sản Nhơn Hải khai thác du lịch khu vực biển được cho phép, chế biến sản phẩm nước rau câu từ rong biển để phục vụ du khách, tăng thu nhập. Ảnh: XUÂN SÁNG
Tiếp đó, giai đoạn 2021 - 2023, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) khởi động Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương” góp phần củng cố thêm năng lực cho các tổ chức cộng đồng; định hướng và hỗ trợ để các tổ chức cộng đồng xây dựng được kế hoạch hoạt động bài bản, trong đó có phần quan trọng là tạo dựng sinh kế cho cư dân. Bước đầu, các tổ chức cộng đồng đã xây dựng được những mô hình kinh tế phù hợp, chú trọng vào khai thác dịch vụ du lịch, khai thác, chế biến các sản phẩm đặc trưng...
Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch - Thủy sản Nhơn Hải, cho hay: Với sự hỗ trợ từ các dự án, đến nay các thành viên có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức trong bảo vệ hệ sinh thái biển. Họ biết cách xây dựng mô hình phát triển kinh tế gắn liền với hoạt động bảo vệ hệ sinh thái biển như là mở dịch vụ du lịch trên biển, khai thác và chế biến nước rau câu... Tôi tin rằng, điểm quan trọng nhất là từ hỗ trợ của các dự án, ngư dân dần dần tự hình thành cho mình bộ công cụ, kỹ năng, kiến thức, công nghệ phù hợp để hoạt động, ổn định đời sống trên nền tảng là môi trường biển mà họ tham gia bảo vệ, giữ gìn.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Đảo, thành viên tổ chức cộng đồng ở Nhơn Lý, chia sẻ, từ các dự án này, tổ chức cộng đồng ở Nhơn Lý tham gia hiệu quả trong việc khoanh vùng bảo vệ khu vực rạn san hô Bãi Dứa; liên kết để khai thác dịch vụ du lịch có điều kiện ở các vùng biển được phép để tăng thu nhập, từ đó nâng cao ý thức của việc cùng bảo vệ hệ sinh thái biển.
Theo đánh giá của UBND TP Quy Nhơn, các dự án hỗ trợ khôi phục hệ sinh thái biển Quy Nhơn từng bước đã tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khôi phục và giữ gìn hệ sinh thái biển. Được chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực, các dự án tập trung vào hoạt động tăng cường năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ sinh kế để người dân thay đổi nhận thức, tham gia vào công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm, đồng hành với các tổ chức thực hiện Dự án và cộng đồng địa phương là cơ sở để các cơ quan chuyên môn nhân rộng các mô hình phù hợp, để phát huy hiệu quả trên diện rộng.
Theo bà Nguyễn Hải Bình, chuyên gia tư vấn Hiệp hội Thủy sản Bình Định, sinh kế là một trong những mục tiêu rất quan trọng khi triển khai các dự án hỗ trợ khôi phục nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Quy Nhơn. Chỉ khi nào cư dân được hưởng lợi từ hệ sinh thái, lúc đó tự họ sẽ thay đổi và bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản.
Trong chuyến làm việc với ngành nông nghiệp Bình Định vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao việc quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng tại Bình Định. Theo Bộ trưởng, đây là một trong những giải pháp có tính thực tế và linh hoạt cao, vì tham gia giải quyết những vướng mắc, khó khăn so với khi giao cho chính quyền hoặc DN quản lý. “Chính quyền sẽ không tránh khỏi những lúc quan liêu, DN quản lý sẽ khó tránh khỏi việc chạy theo lợi nhuận. Cộng đồng quản lý chính là phương thức hài hòa, tuy trước mắt có thể chưa thấy được lợi ích ngay từ hoạt động “vác tù và hàng tổng” nhưng những lợi ích lâu dài, bền vững bắt đầu từ những cái nhỏ đang lớn dần, sẽ động viên được cộng đồng trung thành với mục tiêu lâu dài. Chính họ sẽ giữ gìn môi trường để giữ gìn sinh kế bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
THU DỊU