Phim lịch sử và vấn đề khai thác sự thật lịch sử
Tháng 11-2012, Hội Ðiện ảnh Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề "Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam". Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của người làm điện ảnh trên cả nước, tuy nhiên, từ đó đến nay, một số nội dung của hội thảo đang là các vấn đề cần tiếp tục đặt ra và khắc phục.
Tại Hội thảo Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam tham luận của các nhà nghiên cứu điện ảnh, đạo diễn, nhà biên kịch đã tiếp cận những vấn đề vừa mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển phim lịch sử ở Việt Nam, vừa tìm cách lý giải, trả lời các câu hỏi: Phương pháp mượn lịch sử để nói hiện tại là gì? Ðiện ảnh khai thác đề tài lịch sử thế nào để không "phản lịch sử"? Phạm vi hư cấu lịch sử tới đâu? Ðưa lịch sử vào đời sống như thế nào cho hiệu quả?... Không như các loại hình nghệ thuật khác, phim lịch sử có khả năng lay động cảm xúc của khán giả, cuốn hút và đưa họ về với vấn đề lịch sử được tái hiện, giúp họ đồng cảm cùng nhân vật lịch sử, cùng suy ngẫm trước các sự kiện liên quan tới vận mệnh dân tộc, với cuộc sống xã hội, con người,... mà bộ phim đề cập.
Xét từ lịch sử điện ảnh nước nhà, hẳn là chưa bao giờ phim lịch sử lại được mổ xẻ nhiều như mấy năm qua. Ðiều này có lý do của nó, vì trong một số bộ phim lịch sử gần đây, dường như các tác giả không quan tâm nhiều đến tính chân thực lịch sử, không lưu ý tới sự khác biệt giữa phim lịch sử với phim cổ trang, phim dã sử. Có một tình trạng khá phổ biến là dựa trên sự kiện lịch sử, nhà làm phim tìm ra cách thể hiện mới bằng việc hư cấu cốt truyện nhằm nâng tầm tư tưởng của tác phẩm. Hai bộ phim được xem là thành công hơn cả trong thời gian qua là Khát vọng Thăng Long (2010), và Long Thành cầm giả ca (2010) được làm theo hai hướng khác nhau. Nếu Khát vọng Thăng Long theo hướng sử thi anh hùng ca, thì Long Thành cầm giả ca theo hướng lịch sử văn hóa, duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hóa của Thăng Long xưa. Chỉ với hai tác phẩm này cũng đã cho thấy phim lịch sử là phải tái hiện một quá trình lịch sử với những sự kiện gắn liền với vận mệnh dân tộc, vì lịch sử của một đất nước, một dân tộc không chỉ là đấu tranh giành độc lập, mà còn là lịch sử văn hóa, lịch sử của công cuộc cải tạo và thích ứng với tự nhiên, lịch sử của những số phận con người,... Ðạo diễn phim Long Thành cầm giả ca đã hư cấu nên một mối tình nên thơ và thiết tha, sâu nặng của thi nhân Nguyễn Du (Tố Như) và cô ca kỹ tên Cầm. Chuyện tình trong phim chỉ là hư cấu, nhưng dựa trên nền của một thời tao loạn, đạo diễn đã làm rõ nét được thân phận của con người. Long Thành cầm giả ca không phải là phim ca ngợi anh hùng, không bàn đến các sự kiện lớn, mà đề cập đến số phận của con người bình thường, bi kịch cá nhân của người trí thức như Nguyễn Du,... Và tiếng thơ của Nguyễn Du, tiếng đàn của nàng Cầm vẫn sống mãi cùng đất Long Thành, cùng hồn Việt. Ðó chính là hiện thân của cái đẹp, là cái "hồn" của dân tộc và là sức sống trường tồn của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm. Ngược lại, Khát vọng Thăng Long được thể hiện theo chiều hướng sử thi, anh hùng ca. Với Khát vọng Thăng Long, người xem có cơ hội hiểu thêm về anh hùng dân tộc Lý Công Uẩn văn võ song toàn, tư chất đạo đức hơn người.
Có thể còn có thiếu sót, bởi làm phim lịch sử là công việc không hề đơn giản, vì phải tái tạo những gì từng hiện hữu trong quá khứ, từ bối cảnh, phục trang,... đến điệu đi, dáng đứng, cách nói năng, và bối cảnh lịch sử càng xa so với hiện tại bao nhiêu thì sự phức tạp lại càng tăng lên bấy nhiêu, nhưng các thành công trên là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số phim lịch sử gây nhiều tranh luận, bởi nội dung phim xa rời hiện thực, thậm chí bối cảnh, trang phục ngoại lai... Và ở đây, vấn đề hư cấu lịch sử cần phải được đặt ra, nhất là khi làm phim về các sự kiện lịch sử quan trọng, về các nhân vật có thân thế và sự nghiệp gắn liền với vận mệnh đất nước, với số phận dân tộc. Hư cấu một cách tài năng sẽ góp phần khắc họa thêm chiều sâu của tính cách nhân vật, làm nhân vật lịch sử sống động hơn, dễ thẩm thấu vào tâm trí người xem hơn. Song, dù người làm phim lịch sử hư cấu như thế nào chăng nữa cũng không thể, không nên biến nhân vật xấu thành nhân vật tốt hoặc ngược lại. Bởi cũng như các loại hình nghệ thuật khác, khi đề cập tới quá khứ, nghệ sĩ cần phải tuân thủ tính chân thực lịch sử.
Thí dụ, không thể phủ nhận một số thành công nhất định của phim Khát vọng Thăng Long, nhưng có điều cần phải xem xét lại, đó là việc xây dựng hình tượng và tính cách của nhân vật Lê Long Ðĩnh. Sau khi vua Lê Hoàn mất, lịch sử của Việt Nam lúc đó xuất hiện vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, vô cùng tàn bạo, với những tội ác kinh hoàng, man rợ. Thế nhưng nhân vật Lê Long Ðĩnh trong phim này lại được xây dựng như một ông vua có khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước! Hoặc, trong phim Thái sư Trần Thủ Ðộ, từ đầu phim chỉ xoay quanh những chuyện đấu đá trong cung đình, không thấy tinh thần chống quân Nguyên Mông. Ðến gần cuối phim mới xuất hiện câu nói nổi tiếng: "Ðầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ lo". Hay bộ phim về Thái Tổ Lý Công Uẩn (trong chùm phim Kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) mang tên Ðường tới thành Thăng Long, do biên kịch và đạo diễn Trung Quốc thực hiện, phần đóng góp của Việt Nam chỉ thể hiện ở nội dung và sự tham gia của một số diễn viên. Ðó thật sự là điều khó hiểu! Vì thế trong phim, tinh thần tự tôn, ý chí về độc lập và trí tuệ của Lý Công Uẩn - đại biểu cho bản lĩnh dân tộc ở đầu thiên niên kỷ thứ hai, chỉ còn dấu vết mờ nhạt. Cuối cùng bộ phim này đã không được công bố!
Gần 200 năm trước, dựa trên cuộc đời của một người lính ngự lâm được ghi lại trong sách vở, văn hào Pháp Alexandre Duma đã viết nên cuốn tiểu thuyết lịch sử - phiêu lưu bất hủ là Ba người lính ngự lâm. Từ đó đến nay, không chỉ được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, Ba người lính ngự lâm còn được chuyển thể, hoặc khai thác ý tưởng để xây dựng nên rất nhiều bộ phim nhựa, phim truyền hình, phim hoạt hình. Ðiều đáng nói là hầu hết các tác phẩm chuyển thể đó đều có sự hấp dẫn riêng, được công chúng hâm mộ, mà gần đây nhất là phim Ba người lính ngự lâm ra đời năm 2011 của đạo diễn W.S.Anderson do Summit Entertainment sản xuất vẫn được coi là "phim bom tấn". Dẫn lại thí dụ này để thấy rằng, muốn có những bộ phim lịch sử hấp dẫn, có ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật cao, cần xác định cụ thể hơn các yếu tố cần thiết, có vai trò quyết định cho sự thành công của thể loại phim này. Bởi qua một số hiện tượng có thể thấy, chúng ta vẫn chưa có nhà biên kịch, đạo diễn chuyên về phim lịch sử; cả các khâu như thiết kế, hóa trang, phục trang cũng không có nghệ sĩ chuyên sâu, và đến cả trường quay cũng không có; đặc biệt, chưa có công trình nghiên cứu lý luận - thực tiễn thật sự bài bản, chưa có phối hợp chặt chẽ giữ các nghệ sĩ điện ảnh với giới sử học, văn hóa học. Nên, mỗi khi cần, muốn làm một phim lịch sử, mới thấy xuất hiện tên tác giả kịch bản này, đạo diễn kia, khi bắt đầu làm phim mới vội vàng lục tìm sách vở để đọc, rồi tìm đến nhà sử học, nhà văn hóa,... bàn soạn tìm cách làm phim.
Phim lịch sử quyết không phải là những tác phẩm "chạy theo đơn đặt hàng". Khi thiếu tính chuyên nghiệp thì một dự án phim lịch sử dù được đầu tư nhiều tiền của thì sản phẩm làm ra vẫn luôn có thể phải đối diện với tình trạng thiếu hoàn hảo vì hời hợt, chắp vá,... Nói cách khác, muốn có một dòng phim lịch sử chất lượng cao, cần phải bắt đầu từ đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu. Ngành điện ảnh cần kết hợp với nhà nghiên cứu lịch sử, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho người làm phim trẻ, cho sinh viên các trường điện ảnh. Ở các trường này, cần có giáo trình bài bản về phim lịch sử, từng bước đào tạo đội ngũ chuyên sâu từ biên kịch, đạo diễn đến hóa trang, phục trang, thiết kế,... kết hợp với việc xây dựng trường quay, trung tâm kỹ xảo. Tuy nhiên, xét đến cùng, với tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên,... muốn làm phim lịch sử hơn ai hết phải là người am hiểu sâu sắc về vấn đề được đề cập, có cảm xúc trước các sự kiện lịch sử, suy ngẫm và sáng tạo trên cơ sở lịch sử, để rồi từ đó xây dựng nên tác phẩm có giá trị.
. Theo THU THỦY (Nhân Dân)