Hướng tới hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc
Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết trong 3 thập kỷ qua, Việt-Hàn nhanh chóng tăng cường hợp tác kinh tế thông qua thương mại, đầu tư...
Sáng 3.8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến "Đối thoại chiến lược Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) - Viện Nghiên cứu Ngoại giao và An ninh quốc gia, Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc (KNDA) 2022: Kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc và những chặng đường hướng tới hợp tác chiến lược toàn diện”.
Sản xuất dây cáp điện tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dongjin Global (100% vốn Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã nhanh chóng tăng cường hợp tác kinh tế thông qua thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển song phương.
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Đồng thời, hai nước đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2019 và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ khởi xướng trong năm 2022.
Cùng với đó, trước bối cảnh môi trường chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng phân cực và phức tạp do sự gia tăng của cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ-Trung Quốc và cuộc chiến Ukraine, nhiều quốc gia trong khu vực đang phải vật lộn để điều hướng trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Do đó, hội thảo này là dịp để các đại biểu hai nước chia sẻ quan điểm về những phát triển chiến lược đang diễn ra và các động lực đang thay đổi của khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đưa ra các giải pháp để tăng cường hợp tác an ninh Hàn Quốc-Việt Nam trong 30 năm tới.
Hội thảo diễn ra 2 phiên: Phiên 1 với chủ đề: Phát triển Chiến lược trong hợp tác an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Việt Nam-Hàn Quốc. Phiên 2 là Hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc ở Ấn Độ Dương.
Đánh giá về khả năng hợp tác giữa Việt Nam-Hàn Quốc trong bối cảnh phát triển chiến lược tại Ấn Độ Dương, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022) quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa….
Về chính trị, ngoại giao, hai nước thiết lập "Đối tác chiến lược" và hướng tới nâng cấp quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện”. Về kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gấp 160 lần kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 80 tỷ USD năm 2021). Đầu tư từ Hàn Quốc luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, hai nước cần thúc đẩy hợp tác an ninh với các quốc gia trong và ngoài khu vực hướng tới phát triển kinh tế, ổn định hòa bình khu vực.
Theo Tiến sỹ Choi In-a, chuyên gia nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP), Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, logistics, xây dựng...
Hàn Quốc hiện đã có đầu tư tại 59/63 tỉnh thành phố của Việt Nam. Việt Nam xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, Việt Nam đang ưu tiên hợp tác thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, chia sẻ hiệu quả phát triển, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững của Việt Nam...
Để tăng cường mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam-Hàn Quốc thời gian tới, Tiến sỹ Choi In-a đề xuất, trước hết hai nước cần giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại bằng cách nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc cung cấp hàng hóa trung gian; tăng cường hợp tác xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đồng thời, hai nước cần thúc đẩy mô hình hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ điện tử (G2G) mới ngoài nguồn vốn các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) song phương. Cùng với đó, hai nước cần đưa ra một chiến lược chung để tập trung việc cung ứng song phương đã được thiết lập tốt về các sản phẩm chủ lực trong việc xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng ổn định tại Ấn Độ Dương và trên toàn cầu.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ ý kiến của mình về quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước và thảo luận về cơ hội hợp tác cùng nhau trên các nền tảng kinh tế đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)