Xử lý nghiêm hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả
Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, gần đây trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Diễn biến phức tạp
Theo các cơ quan chức năng, ghi nhận nhiều vụ việc sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, chủ yếu là chứng chỉ chuyên môn, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vé qua trạm BOT... Với nhiều mục đích khác nhau, từ đáp ứng nhu cầu công việc đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người đã mua, sử dụng các loại giấy tờ giả.
Mới đây, CA huyện Phù Cát tiếp nhận tin báo về việc có người sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để vay thế chấp tại Quỹ tín dụng nhân dân Cát Tân 2 (huyện Phù Cát) với số tiền 800 triệu đồng. Trước đó, Viện KSND tỉnh hoàn tất hồ sơ chuyển TAND tỉnh để xét xử công khai bị can Đặng Ngọc Quân (SN 1988, ở huyện An Lão) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể, Quân thuê ô tô tự lái, lên mạng đặt làm giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên mình với giá 3 triệu đồng/bộ, mang đi cầm cố, bán lại cho người khác chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng.
Một vụ án khác, lợi dụng sự kém hiểu biết và nhu cầu muốn được hưởng đền bù của một số hộ dân lấn chiếm đất tại thôn Tân Phú (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), bị can Trần Thị Kim Hoa (SN 1974, ở huyện Phù Mỹ) cùng đồng bọn làm giả 17 sổ đỏ để chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Thành (SN 1991, ở huyện Tây Sơn) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” vào cuối tháng 7 vừa qua, bị cáo Thành thừa nhận: “Do thấy việc đặt làm các loại giấy tờ giả trên mạng dễ dàng, bị cáo lại đang cần tiền nên đã bất chấp các quy định, miễn sao dễ dàng vay được tiền”.
Bị cáo Phùng Mạnh Tu (SN 1989, TX An Nhơn) bị hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 năm tù giam về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Ảnh K.A
Tăng cường rà soát, xử lý nghiêm
Từ đầu năm 2022 đến ngày 15.7, toàn tỉnh đã khởi tố 9 vụ/25 bị can phạm tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; tăng 7 vụ/24 bị can so với cùng kỳ năm trước.
Theo trung tá Hà Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra (CA tỉnh), việc tìm kiếm trên mạng xã hội các dịch vụ làm giả giấy tờ khá dễ dàng, chi phí rất rẻ. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, giấy tờ, bằng cấp giả ngày càng tinh vi, khó nhận biết bằng mắt thường. Chưa kể, có nhiều đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tạo ra giấy tờ giả đến cả máy quét cũng khó phát hiện.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng giấy tờ giả, ảnh hưởng đến tài sản của Nhà nước, công dân, gây rối loạn công tác quản lý hành chính, các ngành, các cấp của tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, có thể bị phạt đến 7 năm tù giam. Đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác được quy định tại điều 208 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể bị phạt 20 năm tù giam.
Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết CA toàn tỉnh đã và đang tập trung điều tra cơ bản, rà soát, xác minh, lập chuyên án đấu tranh mạnh với các loại tội phạm, trong đó có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Ban Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, CA các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về hành vi, thủ đoạn để người dân thận trọng hơn trước những loại giấy tờ giả, kiểm tra kỹ các loại giấy tờ hoặc nhờ các cơ quan chức năng kiểm tra để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không vì lợi ích trước mắt mà cổ xúy, tiếp tay cho các đối tượng làm giả, sử dụng các loại giấy tờ giả. Khi phát hiện các hành vi làm giấy tờ giả cần trình báo cơ quan chức năng. Đây là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng này.
Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường cũng nhìn nhận, làm, sử dụng giấy tờ, con dấu giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm và gây bất bình trong xã hội. Ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để kịp thời đưa ra xét xử các vụ án về kinh tế, sở hữu, trong đó có hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; tuyên phạt các mức án đúng người, đúng tội.
KIỀU ANH