Minh bạch hoạt động từ thiện theo Thông tư 41/2022/TT-BTC: Nghiên cứu kỹ, thực hiện đúng để tránh rắc rối
Theo Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện, từ ngày 1.9 trở đi, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện những hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin.
Chỉ còn vài tuần nữa Thông tư số 41/2022/TT-BTC sẽ có hiệu lực, nhưng đa số hội, nhóm, cá nhân làm từ thiện trong tỉnh dù biết có quy định mới nhưng chưa quan tâm đúng mức.
Công khai, minh bạch
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh hiện có 33 chi hội, 35 phân hội và 3 đội cứu thương “0 đồng” trực thuộc. Theo yêu cầu của Hội, nhiều chi hội và đội cứu thương không còn dùng tài khoản cá nhân để vận động; đã mở tài khoản riêng để tiếp nhận sự ủng hộ. Đa số tổ chức, cá nhân đã mở sổ theo dõi các khoản tiếp nhận, phân phối, sử dụng và công khai trên các trang mạng xã hội cá nhân (có gắn thẻ nhà tài trợ) sau khi kết thúc mỗi hoạt động.
Theo ông Trần Đình Ký, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, trừ các đội cứu thương có tài khoản về xăng dầu, các bếp ăn tình thương phải trữ gạo, nhu yếu phẩm nên có số tồn quỹ, các đơn vị trực thuộc còn lại hoạt động theo từng chương trình cụ thể, trong một khoảng thời gian nhất định rồi kết thúc nên không có số tồn quỹ.
“Kêu gọi được bao nhiêu thì đem trao cho đối tượng hết bấy nhiêu. Riêng các đội cứu thương có hóa đơn bán hàng của đơn vị xăng dầu, số quỹ tồn thường xuyên là số âm, như Chi hội Sen Việt đang âm quỹ tới 70 triệu đồng”, ông Ký cho hay.
Quy định từ Thông tư số 41/2022/TT-BTC sẽ giúp hoạt động xã hội, từ thiện minh bạch thông tin và hoạt động hiệu quả hơn. - Trong ảnh: Nhóm Thiện Tâm Tùy Duyên tặng quà người cao tuổi neo đơn, khókhăn nhân dịp Vu lan báo hiếu. Ảnh: Nhóm Thiện Tâm Tùy Duyên
Các CLB Người tình nguyện CTĐ trực thuộc Hội CTĐ các cấp cũng luôn tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ đột xuất và định kỳ cho người dân khó khăn trên địa bàn. Cũng với cách làm “vận động được bao nhiêu, trao bấy nhiêu”, chủ nhiệm các CLB thường xuyên phối hợp với hội CTĐ cấp trên đi trao, tặng, sau đó cùng nhau quyết toán mọi số liệu liên quan.
Ở TP Quy Nhơn, Hội CTĐ phường Nhơn Bình là một trong những đơn vị vận động rất tốt nguồn lực để hỗ trợ người khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội CTĐ phường, Hội chỉ đóng vai trò là “cầu nối” giữa nhà tài trợ và người khó khăn. “Tôi đến gặp nhà tài trợ, vận động họ giúp người bệnh nặng một số tiền để điều trị. Nếu họ đồng ý, tôi hẹn ngày dẫn họ đi gặp, trao tiền trực tiếp người bệnh. Một số nhà tài trợ chủ động liên lạc, đề nghị tôi lập danh sách và tập hợp người dân tại một địa điểm công cộng để họ đem tiền, hàng đến trao tận tay từng người. Chính vì vậy, tôi chỉ thông tin trên trang mạng cá nhân sự kiện chứ không ghi chép, thống kê gì cả”, bà Bông cho biết.
Cần thực hiện đúng quy định
Làm từ thiện xuất phát từ cái tâm, thuyết phục được nhà tài trợ, không ít tổ chức, cá nhân đang tỏ ra lơ là, chủ quan với Thông tư 41/2022/TT-BTC. Đặc biệt, với một số cá nhân tự đứng ra vận động nguồn lực làm từ thiện, ngoài yêu cầu mở riêng tài khoản cho mục đích từ thiện, Thông tư còn yêu cầu cá nhân này phải mở sổ sách ngay khi bắt đầu thực hiện các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp; các khoản đã phân phối và sử dụng. Nếu tiếp nhận hiện vật, cá nhân phải chịu trách nhiệm bảo quản an toàn; phải mở riêng sổ ghi chép đầy đủ số hiện vật cùng các thông tin như ngày nhận, tên và địa chỉ người đóng góp…
Thay vì viết vội vài dòng trong cuốn sổ ghi chép như lâu nay, tổ chức, cá nhân làm từ thiện phải điền đầy đủ thông tin vào một số mẫu biểu, báo cáo mà Thông tư mới quy định. Kết thúc đợt vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để làm từ thiện, cá nhân phải chốt sổ, lập báo cáo và công khai số liệu theo quy định của pháp luật.
Riêng với khoản tiếp nhận và sử dụng thông qua tài khoản tiền gửi ngân hàng (khá phổ biến hiện nay), phải thực hiện việc đối chiếu số liệu với ngân hàng nơi mở tài khoản định kỳ hằng tháng và đối chiếu khi kết thúc đợt vận động. Bản đối chiếu số liệu với ngân hàng hoặc sổ chi tiết tài khoản tiền gửi mà ngân hàng gửi đến phải được lưu và công khai sau khi kết thúc đợt vận động…
Ông Trần Đình Ký cho biết, thời gian tới, Hội sẽ rà soát lại việc mở tài khoản ngân hàng chuyên dùng cho tiếp nhận đóng góp làm từ thiện của các đơn vị trực thuộc. “Nhìn chung, các chi hội, phân hội trực thuộc đều luôn nỗ lực mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân gặp khó khăn, không có chuyện tiêu cực xảy ra trong thời gian qua. Dù vậy, Hội sẽ nhắc nhở các đơn vị tìm hiểu, nghiên cứu, làm đúng theo những quy định trong Thông tư 41/2022/TT-BTC, để tránh những rắc rối không đáng có xảy ra sau khi Thông tư có hiệu lực”, ông Ký cho hay.
NGỌC TÚ