KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỘI ÐỒNG NHÀ NƯỚC VÕ CHÍ CÔNG (7.8.1912 - 7.8.2022)
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng
Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh Võ Toàn, xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930, tháng 5.1935, đồng chí Võ Chí Công được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 1.1940, đồng chí làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; tháng 3.1940, làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, được cử vào Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên; năm 1942, được phân công vào xây dựng cơ sở tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công dự Cuộc gặp mặt trao đổi giữa các thế hệ anh hùng, chiến sĩ xuất sắc, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20.7.1992 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Năm 1943, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm còn 25 năm tù, giam ở nhà lao Hội An, sau bị đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Tháng 3.1945, đồng chí ra tù, trở về Quảng Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Võ Chí Công cùng UBND cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và LLVT ở Quảng Nam- Đà Nẵng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Bắc Bộ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 1950, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Campuchia, trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đông - Bắc Miên, đồng chí Võ Chí Công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành nhiều thắng lợi to lớn. Đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Năm 1964, đồng chí được Bộ Chính trị điều động về Khu V - một chiến trường cực kỳ gian khổ, ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai Chiến tranh cục bộ, trong đó TP Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành một trong những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam. Khu ủy Khu V dưới sự lãnh đạo của đồng chí đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy Khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã, đạt được mục tiêu, nhanh chóng rút về căn cứ, bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại so với những nơi khác.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Tháng 3.1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Đồng chí đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, chạy về Đà Nẵng cố thủ.
Nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, đồng chí đề xuất Bộ Chính trị, chớp thời cơ tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta đánh thắng ý đồ chiến tranh của Mỹ, ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác, được Đảng tín nhiệm giao nhiều trọng trách. Đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương.
Từ đó, cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng KT-XH, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
CHÍ TOÀN