Sử dụng sổ hộ khẩu điện tử từ ngày 1.1.2023: Mỗi người cần có căn cước công dân gắn chíp
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn được sử dụng; cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của công dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử. Vì vậy, công dân cần nhanh chóng làm căn cước công dân gắn chíp để thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu giấy chính thức bị xóa bỏ.
Chuyển từ giấy sang điện tử
Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 quy định, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Công dân chưa có CCCD gắn chip cần nhanh chóng đi làm ngay nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu giấy chính thức bị xóa bỏ sau ngày 31.12.2022.
- Trong ảnh: Công dân làm CCCD gắn chíp tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh). Ảnh: K.A
Theo đại tá Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh), việc này chỉ là thay thế hình thức quản lý từ sổ giấy sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Cụ thể, người dân vẫn phải thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú như: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú… và kết quả giải quyết đều được cập nhật trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được cấp cuốn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy như trước đây.
“Thông tin của công dân sẽ được cập nhật lên hệ thống phục vụ công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, khi đăng ký thường trú, công dân không phải liên hệ cơ quan CA nơi đi cấp Giấy chuyển hộ khẩu như trước đây, mà trực tiếp đến cơ quan CA nơi đến để làm thủ tục, việc này tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân”, đại tá Hà cho biết.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động và được kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng chung, công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh) một ngày đầu tháng 8, dù lượng người dân đến làm thủ tục cấp CCCD và nhận CCCD tương đối đông, nhưng đều được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình, trật tự. Chị Phạm Thị Nhung (ở TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Tôi đến nộp hồ sơ để làm CCCD gắn chíp, được cán bộ chiến sĩ hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình về việc tích hợp các giấy tờ như BHXH, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, tạm trú… ngay trong CCCD gắn chíp của tôi. Tôi rất ủng hộ việc này, vì sẽ giảm được các loại giấy tờ mang theo cho công dân về sau, nhất là khi mình đã có số định danh”.
Dồn lực cấp CCCD gắn chíp
Tính đến nay, Bình Định đã cơ bản hoàn tất việc rà soát, “làm sạch” dữ liệu dân cư trên hệ thống phần mềm; hiện toàn tỉnh đã cấp 1.163.620 CCCD, trong đó riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã cấp 190.597 CCCD. Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu dân cư được làm sạch, lực lượng CA cũng đã tiến hành cấp đồng loạt số định danh cho công dân đang có trên hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
CA toàn tỉnh vẫn đang dồn lực cấp CCCD gắn chíp cho công dân. Cụ thể, bên cạnh cấp CCCD gắn chíp tại trụ sở, lực lượng cảnh sát hành chính toàn tỉnh cũng linh động trong việc cấp CCCD gắn chíp cho công dân. Ngoài thực hiện cấp CCCD tại trụ sở CA huyện, lưu động tại các xã, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA huyện Tuy Phước) còn đến tận nhà các trường hợp là người già yếu và người đau ốm nằm một chỗ để hướng dẫn làm các thủ tục tiếp nhận, kiểm tra thông tin, thu nhận vân tay, chụp ảnh...
Theo trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA huyện Tuy Phước), đây là việc làm cần thiết để mọi công dân đều được đảm bảo quyền lợi của mình; mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử cũng được hoàn thành đúng tiến độ.
Để không gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sau ngày 31.12.2022, công dân đang sử dụng CMND loại 9 số, 12 số, công dân đủ 14 tuổi trở lên phải khẩn trương làm CCCD gắn chíp.
Được biết, hiện nay có một số trường hợp chưa được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn tới chưa được cấp CCCD. Nguyên nhân có thể do người dân khai báo chưa chính xác, hoặc việc thu thập thông tin từ phía cán bộ CA có thiếu sót…
“Các trường hợp này hầu hết đã và đang được rà soát, thông báo đến người dân để thực hiện điều chỉnh. Khi nhận được thông báo từ cơ quan CA, người dân nên nhanh chóng đến trụ sở làm việc để cung cấp, cập nhật thông tin của mình khớp với dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, đại tá Hà thông tin thêm.
KIỀU ANH