“Cởi trói” lãi suất tiền gửi khi rút trước hạn
Từ ngày 1.8.2022, trong trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn, tổ chức, cá nhân gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất, tùy tình huống cụ thể. Chính sách mới được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng.
Theo quy định tại Thông tư 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả, thanh toán của khoản tiền gửi. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ hoặc một phần tiền gửi, thì tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó trên số tiền mà khách hàng rút, theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn. Trường hợp khách hàng chỉ rút một phần thì phần tiền còn lại, TCTD giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền đã gửi.
Khách hàng đến giao dịch tín dụng tại Vietcombank Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ
Thường xuyên gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, ông N.N.S, ở huyện Phù Cát, chia sẻ: Tôi thường gửi tiền tiết kiệm kỳ dài hạn, nhưng nhiều thời điểm cần vốn, buộc phải rút một phần tiền gửi trước hạn. Ngay lập tức, toàn bộ khoản tiền gửi bị tính lãi suất không kỳ hạn, tiền lãi nhận được không đáng kể. Với quy định mới, tôi có thể rút một phần tiền trong sổ tiết kiệm trước hạn khi có việc cần mà phần còn lại vẫn được hưởng nguyên lãi suất. Điều này giúp tôi thấy bớt thiệt thòi, yên tâm hơn khi gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài.
Chị Ngọc Ánh ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, khách hàng của Ngân hàng NN&PPTNT Việt Nam - chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) cho biết, trước đây khi có nhu cầu vốn phát sinh đột xuất, không kịp xoay xở, phải rút một phần tiền trước hạn thì toàn bộ tiền lãi của phần tiền còn lại hầu như không đáng kể, rất thiệt thòi cho người gửi. Vì thế, tôi thường chia nhỏ số tiền gửi và lập nhiều sổ tiết kiệm với nhiều kỳ hạn khác nhau. Cách làm này có thể giải quyết được vấn đề tài chính trong thời điểm cần tiền gấp, dù vậy vẫn không tránh khỏi thiệt thòi khi rút tiền trước hạn. Hơn nữa quản lý nhiều sổ tiết kiệm vừa bất tiện cho tôi, vừa gây lãng phí cho cả ngân hàng. Quy định mới cho phép tôi linh hoạt rút tiền trước hạn khi có nhu cầu mà không lo mất lãi, đồng thời mạnh dạn gửi tiền kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn, ngân hàng cũng sẽ có lợi khi được khách hàng tin cậy.
Nhận thấy chính sách mới từ Thông tư 04/2022 mang lại lợi ích không nhỏ, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh, trong đó có Ngân hàng TMCP Bắc Á - chi nhánh Bình Định (Bac A Bank Bình Định) đã chủ động triển khai. Đại diện Bac A Bank Bình Định cho hay: Khi khách hàng yên tâm về lãi suất ban đầu vẫn giữ nguyên với phần tiền gửi còn lại, họ sẽ yên tâm gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn và gửi với kỳ hạn lâu hơn; khi đó khả năng thu hút các nguồn vốn của ngân hàng cũng tốt hơn; có thể chủ động thực hiện kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn. Bên cạnh đó, trường hợp khách hàng cần vốn, nhưng không muốn rút một phần trong sổ tiết kiệm, chúng tôi còn có phương án linh hoạt cho khách hàng vay số tiền đang cần bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Tương tự, các đơn vị khác trên địa bàn như Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, VietABank… cũng gửi thông báo tới khách hàng về việc giữ nguyên lãi suất ban đầu đối với phần tiền gửi còn lại trong trường hợp khách hàng rút một phần tiền trước hạn. Thậm chí, để tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch, nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến để khi cần có thể dễ dàng thực hiện lệnh rút tiền qua các ứng dụng do ngân hàng phát hành.
“Áp dụng quy định mới theo Thông tư 04/2022 của NHNN Việt Nam, ngân hàng sẽ thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn, đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi và trên hết, khách hàng được tối đa hóa lợi nhuận có được từ nguồn vốn nhàn rỗi. Khi lợi ích được đảm bảo hài hòa thì mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng tốt hơn, hoạt động kinh doanh sẽ thuận lợi hơn”- ông Nguyễn Văn Thúy, Giám đốc Vietcombank Bình Định cho hay.
PHẠM TIẾN SỸ