KỶ NIỆM 115 NGÀY MẤT HẬU TỔ TUỒNG ÐÀO TẤN:
“Ngóng phương trời gửi lại gánh non sông”
Ðào Tấn, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, Mai Tăng. Ông sinh ngày 3.4.1845, tại làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, từ giã cõi đời vào ngày rằm tháng Bảy năm 1907. Ðường hoạn lộ của ông khá hanh thông nhưng theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, Mộng Mai làm quan chỉ là cái xác, quan trường là nơi ông mài giũa cốt cách trượng phu và thực hiện giấc mơ làm tuồng.
Một kịch tác gia kiệt xuất
Theo Đào Tấn, sân khấu tuy là nơi diễn thuyết chuyện giả, nhưng lấy chuyện giả mà bàn chuyện thật. Với ông, tuồng không chỉ để diễn xem cho vui mà trong đó còn chứa đựng những giá trị hiện thực, nhân sinh có tác dụng giáo dục, định hướng tư tưởng tốt đẹp cho con người. Với niềm tin vào sứ mệnh của nghệ thuật tuồng như thế, Mộng Mai đã trút hết tâm nguyện đời mình để xây dựng, phát triển nghệ thuật tuồng trong nước cũng như sáng tác những kiệt tác tuồng vĩ đại. Các vở Trầm Hương các, Hộ sanh đàn, Diễn võ đình, Cổ thành được xem là những mẫu mực kinh điển của tuồng.
Nhà soạn tuồng Đào Tấn.
Nhà nghiên cứu tuồng nổi tiếng Hoàng Châu Ký nhận định rằng: Đào Tấn lớn và trường tồn ở chỗ ông đã sáng tạo một phương pháp sáng tác mới, vừa kế thừa vốn cổ vừa phát triển cái mới. Với phương pháp đó, ông đã phản ánh được một phần bức tranh xã hội của thời đại ông, xây dựng được những tình huống nghệ thuật gần gũi với cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và yêu cầu phát triển nghệ thuật. Mặt khác ông đã “nâng văn học tuồng lên một đỉnh cao của văn chương bác học”. Tương đồng với cách nhìn nhận này, giáo sư Hoàng Chương đánh giá, Đào Tấn là người đầu tiên đã nâng nghệ thuật tuồng từ bán chuyên nghiệp lên chuyên nghiệp.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta; năm 1884, nền đô hộ của Pháp đặt lên toàn cõi Việt Nam. Năm 1885, vua Hàm Nghi ban bố Hịch cần vương nhưng sau đó tất cả các phong trào Cần vương đều thất bại. Trước một thời cuộc như thế, “ người trí thức, nhà thơ, quan thượng thư, nhà viết kịch” Đào Tấn đã sáng tạo những vở tuồng chất chứa tâm cảm của người dân về nạn ngoại xâm, các cuộc khởi nghĩa chống giặc, sự thay đổi bấn loạn các giá trị đạo đức, sự bế tắc hoang mang của tầng lớp trí sĩ và đặc biệt là thân phận con người. Trên lập trường nhân bản vì quyền sống của con người, Mai Tăng thể hiện tấm lòng yêu thương những số phận khổ đau và bất hạnh. Ông đưa lên sân khấu cái thế giới bất ổn, loạn lạc với những cuộc truy đuổi, trốn chạy, những cuộc chia ly, hành trình tha hương lưu lạc, những trận chiến, những cuộc nổi dậy, những vụ bắt bớ, những người phản loạn. Đó là một thế giới bi kịch, gây đau khổ cho con người, phản chiếu hiện trạng đất nước lúc bấy giờ.
Yêu thương con người sâu sắc, Đào Tấn mô tả các số phận bi kịch với sự chia sẻ, cảm thông. Trong Hộ sanh đàn, Tiết Cương và Lan Anh chỉ mong muốn có một gia đình bình thường, cuộc sống yên ấm, hạnh phúc nhưng những thế lực đen tối tước đoạt mơ ước của họ. Muốn tồn tại, họ buộc phải làm “thảo khấu”, “kẻ phản nghịch”. Trong Diễn võ đình, Đào Tấn đưa lên sân khấu bi kịch tình yêu chia ly của Triệu Khánh Sanh và Kiều Quang. Hầu như vừa bái đường hợp hôn, Khánh Sanh phải lập tức rong ngựa chạy trốn vì sự truy bắt của Bàng Hồng và cuộc ra đi của chàng dũng sĩ đã không hẹn được ngày về.
Cuồn cuộn một tấm lòng với nước non
Đào Tấn, trong những tác phẩm của mình luôn khẳng định, tôn vinh tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người. Ông chọn cách thể hiện khá đặc biệt khi dành nhiều tâm huyết cho nhiều nhân vật nữ, nâng họ lên đến tầm anh hùng, ở xã hội phong kiến điều vốn gần như chỉ dành cho nam giới. Đó là một Phương Cơ gan dạ, mưu trí, một Xuân Hương khôn ngoan, khéo léo và Bích Hà dũng cảm, kiên cường; đó còn là một Lan Anh dũng cảm, mạnh mẽ, quyết đoán, Tú Hà trọng nghĩa tình, Hồ Nô chân thật, trung thành.
Trong cảm hứng nhân đạo, Đào Tấn miêu tả nhân vật của mình như những biểu tượng của khát vọng tình yêu tự do, hạnh phúc gia đình. Lan Anh, Giả Thị, Kiều Quang phản kháng quyết liệt trước hoàn cảnh và không chịu khuất phục trước số phận. Lan Anh đã vượt qua mọi thử thách, chiến đấu cứu chồng để có được hạnh phúc bên chồng con. Giả Thị không chịu khuất phục cường bạo để bảo vệ phẩm giá của mình, nàng chết đi nhưng linh hồn vẫn dõi theo bảo vệ sự an toàn cho chồng. Nhân vật Kiều Quang không chấp nhận chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, bảo vệ quyền tự do yêu đương và được sống thật với tình cảm của mình.
Câu hát nam nổi tiếng: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay” thú vị lại là của nữ anh hùng Lan Anh trong tuồng Hộ sanh đàn. Có tâm hồn và hành động vượt khỏi lẽ thường nhưng vị nữ anh hùng ấy lại là con người tình nghĩa, người vợ, người mẹ rất đỗi giản dị, thường tình: Xa chồng thì thổn thức nhớ nhung, gặp lại chồng thì vui mừng, hớn hở, làm nũng, thủ thỉ với chồng chuyện không có sữa cho con bú nên con day vú làm mình đau, khiến phải đánh con một cái. Tất cả những chi tiết rất người nhưng khi tất cả gói lại hợp tình hợp lý trong một cá nhân lại thành rất siêu việt.
Khái quát qua cái chí lớn của vợ chồng Tiết Cương có thể nhận ra người anh hùng khi xả thân mình bảo vệ chính nghĩa, luôn có một niềm tin sắt đá vào tương lai, vào khát vọng xoay vần thế cuộc để xây dựng một thế giới an bình, ở đó con người được sống hạnh phúc, nhân phẩm con người và đạo lý được tôn trọng. Vì vậy người anh hùng gửi gắm tâm sự đầy niềm tin và hy vọng tương lai vào cháu của mình: “Tiết Giao! Con gắng lấy nghe/ Ngóng phương trời gửi lại gánh non sông”. Đó có lẽ cũng là ước vọng lớn nhất của Đào Tấn trong cái thời nước mất nhà tan đầy bi tráng.
Nhà nghiên cứu, tác gia tuồng nổi tiếng Mịch Quang trong tác phẩm “Kinh dịch và nghệ thuật tuồng truyền thống” trích dẫn ý kiến của Brandon Fames, nhà lý luận Mỹ về sân khấu Đông Nam Á: Ở Đông Nam Á sân khấu không bao giờ chỉ là phương tiện giải trí, ngoài việc cung cấp hứng thú thẩm mỹ, sân khấu còn là phương tiện hàng đầu để chuyển đạt, giao lưu với quần chúng, một bộ phận của văn hóa quần chúng. Nếu sân khấu không phải là một phương tiện chuyển đạt có hiệu lực đến quần chúng đông đảo thì văn minh Đông Nam Á không được như ngày nay.
***
Từ điểm nêu trên có thể thấy công lao của Đào Tấn đối với nghệ thuật tuồng và văn hóa dân tộc là vô cùng vĩ đại. Nhân cách, tấm lòng với đất nước, tình yêu thương con người và những kiệt tác của ông mãi mãi sống cùng dân tộc.
NGÔ HỒNG SƠN