Nhiều công trình du lịch xây không phép trên xã đảo Nhơn Châu
Theo phản ánh của người dân và khách du lịch, hiện nay, ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) đang nổi lên tình trạng một số hộ dân tự phát xây dựng, cơi nới các điểm du lịch tại các bãi biển, bãi đá, ghềnh đá ven biển, gián tiếp phá vỡ cảnh quan môi trường biển và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên.
Tạm bợ, nhếch nhác
Trước khi tiếp cận đảo Cù Lao Xanh, bằng mắt thường vẫn có thể quan sát thấy những điểm du lịch, check-in xây dựng ngổn ngang xung quanh đảo.
Từ chỉ dẫn của người dân, vào ngày 25.7, phóng viên Báo Bình Định tiếp cận khu vực Bãi Bổn có diện tích ước chừng hơn 300 m2 được bao bọc bởi một vài bãi tắm nhỏ và các ghềnh, bãi đá lớn xung quanh. Tại đây, có nhiều lối cầu thang gỗ men theo sườn núi. Cùng với đó là nhiều chòi gỗ lợp lá cọ, bên trong đặt bàn ghế được xây dựng từ lâu, chôn móng cố định bằng xi măng bên trên ghềnh đá. Ngoài ra, còn nhiều công trình cổng chào, đường đi bộ, khu vực đặt bàn ghế, dù… cho khách du lịch ngắm cảnh, chụp ảnh; hầu hết xây dựng tạm bợ bằng gỗ, sắt dựng trên những bãi đá lớn, hàn kín bằng hệ thống khung sắt và “cấy” vào đá bằng bê tông.
Một số công trình như chòi, lối đi bộ xây dựng trên các bãi đá tại Bãi Bổn (hình ảnh chụp vào ngày 25.7). Ảnh: T.C
Càng đi sâu vào khu vực Bãi Bổn, công trình xây dựng bài bản hơn và kết nối với nhau bằng một hệ thống cầu thang sắt, chạy dọc theo nhiều ghềnh đá hướng ra biển. Đáng nói, khu vực Bãi Bổn có vị trí đẹp, nhưng người dân lại xây dựng phòng thay đồ kiên cố trên bãi đá; chai nhựa, xốp vứt đầy xung quanh và tập kết thành đống lớn; phao, áo phao, bàn ghế, dù, thùng rác… vứt ngổn ngang xung quanh bãi tắm, tạo ra khung cảnh nhếch nhác, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
Theo một số người dân ở tại xã đảo Nhơn Châu, điểm check-in này được đầu tư hàng trăm triệu đồng; mỗi lần khách du lịch ghé xuống chơi, tắm biển và chụp ảnh nộp 20.000 đồng/người, còn đi theo tour có giá khác.
Còn khu vực Bãi Nam có bề ngang hơn 50 m, chủ yếu để phục vụ khách tắm biển, cắm trại về đêm. Phía ghềnh đá của bãi, người dân đã xây dựng hệ thống cầu thang xi măng, lối đi bộ bằng thang gỗ, tay vịn bằng dây thừng chạy dọc theo các ghềnh đá làm nơi chụp ảnh cho du khách. Các cầu thang được cố định vào đá nhưng khá ọp ẹp, tiềm ẩn nguy hiểm.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu Hồ Nhật Lệ cho rằng, các điểm du lịch tại Bãi Bổn, Bãi Nam do người dân xây dựng có xin lắp đặt dù, lều bạt, bàn ghế… cho khách có điểm vui chơi, tắm biển, tránh nắng. Các hoạt động này mang tính manh nha, tự phát và không xảy ra tình trạng người dân xây dựng các công trình kiên cố.
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp một số hình ảnh, video về tình trạng xây dựng các công trình khá bài bản trên các bãi, ghềnh đá, ông Hồ Nhật Lệ lại thông tin: Điểm check-in Bãi Bổn là của con trai Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Châu; các công trình này không có giấy phép xây dựng. Song, khi xây dựng có gửi đơn cho xã và được Ban Chấp hành Đảng bộ xã đồng ý, họ mới triển khai làm. Trên cơ sở đó, xã giao cho các bộ phận liên quan theo dõi, quản lý và báo cáo lại cho UBND xã. Việc này tạo lợi ích về công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho người dân, cũng như tạo điểm nhấn du lịch cho xã.
“Trước thực trạng trên, UBND xã Nhơn Châu sẽ chỉ đạo bộ phận Địa chính - Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý; vừa hướng dẫn người dân muốn xây dựng công trình tại những khu vực này phải có đơn trình báo và được cho phép mới làm. Quan trọng hơn là phải giữ gìn cảnh quan môi trường biển, không được phá vỡ hiện trạng của thiên nhiên”, ông Lệ cho biết.
Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá, việc phát triển du lịch hiện nay của người dân tại xã đảo Nhơn Châu là tự phát, manh mún, chưa có quy hoạch, định hướng của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Cần phải có những cảnh báo về phát triển du lịch ở Nhơn Châu, tránh việc người dân phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
Cũng theo ông Bảo, vừa qua, Sở Xây dựng đã báo cáo quy hoạch chung 1/5.000 xã Nhơn Châu cho UBND tỉnh, nhằm định hướng phát triển không gian cho Nhơn Châu gắn với công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển, đảo; phát triển kinh tế biển, du lịch biển đảo; bảo tồn, phát huy và tôn tạo các giá trị thiên nhiên, văn hóa vốn có của đảo.
TRIỀU CHÂU