Xu thế và cơ hội cho DN ngành gỗ cuối năm 2022
(BĐ) - Chiều 5.8, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) tổ chức Hội thảo dự báo cuối năm 2022 - xu thế và cơ hội cho DN ngành gỗ. Hội thảo nhằm tìm giải pháp trong giải quyết khó khăn về nguyên liệu đầu vào; tìm kiếm thị trường mới và tiếp cận các gói tín dụng phù hợp cho DN ngành gỗ.
Theo thông tin từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Mức tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021, nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh); các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Hiện DN ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu tác động bằng cách giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường cầm cự duy trì sản xuất. Một số DN đồ gỗ tiếp tục mở rộng thị phần ở các thị trường đang tăng trưởng như Úc, Canada, hoặc tìm kiếm các thị trường ở Hoa Kỳ, EU...
Hội thảo “ Dự báo cuối năm 2022 - xu thế và cơ hội cho DN ngành gỗ“ do FPA Bình Định tổ chức vào chiều 5.8.
Riêng với các DN gỗ Bình Định, trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành gỗ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 629 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 64% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Giá trị nhập khẩu gỗ của Bình Định trong 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 33,1 triệu USD, tăng 10% giá trị kim ngạch so với cùng kỳ 2021. Song, với tình hình chung hiện nay, các DN ngành gỗ Bình Định đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đó là thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đầu vào; đơn hàng giảm sút do ảnh hưởng lạm phát từ các thị trường lớn; khó khăn trong tiếp cận các gói tín dụng.
Trước những vấn đề này, FPA Bình Định tổ chức hội thảo nhằm trao đổi các giải pháp cụ thể để giải quyết khó khăn, thách thức nhằm hoàn thành mục tiêu hoạt động năm 2022. Theo FPA Bình Định, để vượt qua những trở ngại, khó khăn trước hết các DN ngành gỗ chủ động tìm kiếm cơ hội, tìm thị trường phù hợp; liên kết với nhau tạo dựng vùng nguyên liệu gỗ trong nước nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho chuỗi liên kết. Theo đó, cùng với nỗ lực của các DN ngành gỗ, của hiệp hội, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, bộ ngành trung ương có chính sách phù hợp trong khuyến khích liên kết phát triển rừng nguyên liệu bền vững, hạn chế tình trạng khai thác non rừng già; áp dụng các công cụ thuế trong xuất, nhập khẩu để ngăn chặn các hành vi lẩn trốn thuế trong ngành gỗ, tạo môi trường cạnh tranh để phát triển; khơi thông tín dụng cho lĩnh vực này...
THU DỊU