Báo động người trẻ phạm tội
Gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trẻ ngày càng manh động, liều lĩnh, côn đồ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Mới đây, TAND TP Quy Nhơn xét xử bị cáo Lương Nhớ (SN 2004, ở TP Quy Nhơn) cùng đồng bọn phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ. Lý do phạm tội chỉ bởi “ghét và ghen”. Cụ thể, Nhớ nhiều lần nhắn tin yêu cầu bạn trai mới của người yêu cũ là anh L.N.T. chấm dứt mối quan hệ này. Khi không được đáp ứng, Nhớ nảy sinh ý định đánh người. “Vì bực tức nên bị cáo đã rủ rê mọi người đi đánh cho hả cơn, chứ thật ra giữa bị cáo và T. không hề có mâu thuẫn gì trước đó”, Nhớ thừa nhận.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Lương Nhớ cùng đồng bọn. Ảnh: K.A
Trong khi đó, bị cáo Hồ Văn Vinh (SN 2004) cũng nói: “Bản thân bị cáo không biết nạn nhân T. và cũng không phải được Nhớ trực tiếp rủ đi đánh nhau. Chỉ vì nghe người bạn khác điện thoại nói đi đánh nhau, nên muốn tham gia cùng thôi”. Trong vụ án này, tại thời điểm phạm tội, cả 13 bị cáo đều chưa đủ 18 tuổi.
Hay như vụ cướp giật tài sản xảy ra ngày 23.7 vừa qua tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh), 2 đối tượng gây án đều có tuổi đời khá trẻ, người 17 tuổi, người 19 tuổi; nhưng vì nghiện game, cỏ Mỹ nên ra tay rất manh động và liều lĩnh.
Chưa hết, tội phạm trẻ tuổi còn dám mạo danh cảnh sát hình sự để uy hiếp, đe dọa và bắt giữ người trái pháp luật, như trường hợp của các bị can Võ Văn San (SN 1997), Nguyễn Đức Duy (SN 2003, ở TP Quy Nhơn), Bùi Anh Hưng (SN 1999, ở tỉnh Gia Lai) và Tô Văn Thu (SN 2004, ở huyện Phù Cát). Các bị can này đã bị bắt giữ về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Từ những vụ án trên có thể thấy, tình hình tội phạm “trẻ hóa” đang trở thành thực trạng xã hội đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: Thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu sự quản lý, quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường. Trong đó, nguyên nhân chủyếu vẫn từ phía gia đình. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên ở các địa phương còn nhiều bất cập; vấn đề hỗ trợ giải quyết việc làm cho số trẻ em bỏ học, lang thang chưa được quan tâm đúng mức...
“Các cháu đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần, phần lớn chưa tự làm chủ được bản thân nên rất dễ bị lôi kéo. Xét về góc độ pháp luật, hiện nay có một số đối tượng lợi dụng tính nhân văn của pháp luật trong việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên ở một số loại tội ít nghiêm trọng để lôi kéo người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đây cũng là lý do khiến tội phạm ngày càng trẻ hóa và phức tạp”, ông Lê Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, phân tích.
Theo đánh giá của CA tỉnh, tình hình tội phạm do người trẻ thực hiện có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, CA đã bắt, khởi tố 65 bị can từ 14 đến dưới 18 tuổi, 480 bị can từ 18 đến dưới 30 tuổi. Nhằm hạn chế việc người trẻ gây án, cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội. Các bậc cha mẹ thường xuyên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của các con, dành thời gian quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ với con bởi đây là giai đoạn trẻ dễ mắc những sai lầm không đáng có.
Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, lãnh đạo CA tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo CA các địa phương tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức, gọi hỏi răn đe số đối tượng nổi, thanh thiếu niên chậm tiến; chủ động phối hợp các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tổ chức xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình về quản lý giáo dục thanh thiếu niên tại cộng đồng; mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm do thanh thiếu niên gây ra. CA tỉnh mong muốn quần chúng nhân dân tiếp tục tích cực tham gia tố giác tội phạm.
KIỀU ANH