Khởi động Dự án SFM tại Bình Định
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng Việt Nam” sẽ chính thức khởi động trong tháng 8.2022. Cùng với Ban quản lý Dự án Trung ương, chính quyền địa phương, các đơn vị được lựa chọn tham gia đã sẵn sàng phối hợp để triển khai Dự án này.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng Việt Nam”(viết tắt Dự án SFM) do Chính phủ CHLB Đức với đại diện là Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang, viện trợ không hoàn lại thông qua Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), triển khai tại 3 tỉnh Quảng Trị, Bình Định và Phú Yên.
Xây dựng khung chính sách, hỗ trợ bộ công cụ về kỹ thuật
Dự án SFM thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 với ngân sách hơn 4,7 triệu EUR từ phía GIZ và phần đối ứng từ phía Việt Nam, nhằm xây dựng khung chính sách cần thiết để chuyển hoạt động quản lý rừng như lâu nay sang quản lý rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Khung chính sách này gồm các tiêu chuẩn và hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương và quy định cơ chế khuyến khích chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững ở cấp tỉnh. Mục tiêu của Dự án SFM là từng bước hình thành các mô hình trồng rừng gỗ lớn giá trị cao, đem lại lợi nhuận tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế bền vững…
Không chỉ hướng đến hỗ trợ xây dựng chính sách, Dự án còn đặt mục tiêu hỗ trợ bộ công cụ kỹ thuật, giúp các chủ rừng tăng cường năng lực quản lý rừng bền vững, áp dụng kỹ năng mới lên diện tích rừng của mình, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp để từ đó có thể vay vốn ngân hàng, hoặc tiếp cận nguồn tài chính cần thiết để thực hiện việc chuyển đổi; mô hình có thể gồm cả các mô hình hợp tác giữa chủ rừng là hộ gia đình với các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ.
Dự án SFM tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật cho các DN tham gia xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng nhận FSC. - Trong ảnh: Một vùng rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cuối tháng 7.2022, Ban quản lý các Dự án lâm nghiệp Trung ương phối hợp cùng GIZ chính thức khởi động Dự án bằng việc lập và trình Bộ NN&PTNT xem xét, thống nhất và cho triển khai kế hoạch hoạt động của Dự án trong năm 2022 - 2023.
Thêm cơ hội để Bình Định phát triển rừng bền vững
Mục tiêu của Dự án SFM là chuẩn bị điều kiện để các chủ rừng sẵn sàng chuyển sang quá trình quản lý rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Dự án đưa ra các chỉ số kết quả: 10% diện tích rừng chuyển sang quản lý rừng bền vững được trồng mới hoặc chuyển hóa thành cây bản địa. 80% nhân sự được đào tạo thông qua dự án phát huy những kiến thức, kỹ năng vào công tác quản lý rừng bền vững; các đơn vị tham gia được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính từ bên ngoài giúp họ chuyển đổi sang mô hình quản lý rừng bền vững.
Tại Bình Định, qua khảo sát, đánh giá, Dự án SFM chọn Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn để triển khai. Ông Nguyễn Rê, Phó Giám đốc phụ trách Dự án SFM tại Bình Định, phân tích: Với Dự án này, chúng ta được tiếp cận các phương thức, cách thức để chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững, phát triển rừng gỗ lớn tăng hiệu quả kinh tế, giảm áp lực lên rừng. Sau khi tìm hiểu, phân tích, đánh giá năng lực đơn vị tham gia, chuyên gia của Dự án SFM sẽ hỗ trợ bằng những phương pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị tham gia, từ đó thúc đẩy, giúp các đơn vị tiếp cận và tối ưu các phương thức triển khai. Sau bước khởi động, phía Bình Định tham gia góp ý, đề xuất những nội dung hạng mục phù hợp, chúng tôi đang chờ thống nhất từ bộ, ngành Trung ương để triển khai các hạng mục cụ thể trong năm nay.
Điểm thuận lợi khi tham gia Dự án SFM của Bình Định là tỉnh ta đang bắt đầu thực hiện chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn, thực hiện các phương án quản lý rừng bền vững. Việc tiếp cận Dự án trong giai đoạn này giúp các đơn vị hoàn thiện sớm kế hoạch và áp dụng hiệu quả để phát huy chính sách về phát triển rừng bền vững, rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, một trong hai DN được chọn triển khai Dự án SFM trong giai đoạn 2022 - 2025, việc được chọn tham gia Dự án SFM trước mắt đã mang tới nhiều tác động tích cực cho DN. Hiện công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2025, trong đó quản lý rừng bền vững 10.400 ha rừng tự nhiên đang có; đồng thời thực hiện cấp chứng chỉ FSC cho 1.300 ha rừng trồng và rừng tự nhiên. Tham gia vào Dự án SFM, đơn vị sẽ rút ngắn làm chủ các giải pháp quản lý rừng bền vững; đặc biệt nhờ đó còn giúp nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự để áp dụng sau khi dự án kết thúc.
THU DỊU