Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường
Sáng 23.7, thanh niên khuyết tật Nguyễn Chánh Tín, tác giả cuốn sách “Tôi chọn sống”, có mặt tại hội trường UBND phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn) để trao 100 suất quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương. Anh chia sẻ, cảm xúc đã tràn dâng ngập lòng ngay lúc vào bên trong hội trường; một vài suy nghĩ dích dắc chợt lóe lên trong đầu: Nếu không cố sức “vùng vẫy”, biết đâu giờ mình đang nằm một chỗ, chờ nhận quà của nhà hảo tâm…
Chấp nhận, không oán than
Nhìn thấy các cô, chú khuyết tật đi lại khó khăn đến nhận quà, anh cho hay, mong muốn trong lòng mình là đi tới từng nhà thăm hỏi và trao quà. Nhưng rồi, anh nhận ra: Mình là người yếu nhất trong tất cả người có mặt tại hội trường sáng hôm đó.
● Trong đầu anh có thường xuyên xuất hiện những mong muốn làm được việc mà một người bình thường làm không?
- Có chứ và rất thường xuyên. Mỗi lần như vậy, tôi dừng lại một chút rồi chuyển hướng suy nghĩ rằng: Cũng việc đó nhưng một người khuyết tật như tôi thì phải làm bằng cách nào? Chẳng hạn, không thể tới từng nhà các cô, chú khuyết tật khó khăn để thăm hỏi, tặng quà thì tôi nhờ các bạn tình nguyện viên đến thay, nói hộ lòng mình. Những cô, chú đến hội trường nhận quà thì tôi chủ động gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi họ. Tôi thấy rất vui, cảm giác giống như mình được chào đón về và mọi người đều hiểu được tấm lòng mình dành cho họ, trân trọng và yêu quý việc mình làm, dù có thể giá trị vật chất không quá lớn.
Anh Tín vui khi nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chào đón của người dân và người khuyết tật nhận quà trên quê hương. Ảnh: Hội CTĐ phường Tam Quan
Dù vậy, bên cạnh một số lần tôi tìm ra được giải pháp để thực hiện mong muốn của mình, cũng có những lúc tôi rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Thế là đành gác lại, chỉ cất thôi chứ không bỏ đi, đợi đến lúc nào đó điều kiện cho phép thì lại lấy ra, nghĩ cách triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả.
● Anh từng chia sẻ, lúc chịu những cơn đau trên giường bệnh sau vụ TNGT năm 2010, anh đã tự vấn: Tại sao lại là tôi, tại sao lại là lúc này… Vậy điều gì đã làm anh chấp nhận sự thật?
- Hãy thử tưởng tượng đến hình ảnh một chàng trai khỏe mạnh, hoàn thành ước mơ đèn sách, cháy bỏng khát khao thay đổi cuộc sống nghèo khó, mọi dự định đang theo chiều hướng thuận lợi thì bỗng một ngày gặp tai nạn, bị chấn thương tủy sống cổ, liệt toàn bộ tay chân, nỗ lực phục hồi chức năng sau đó không mang lại tiến triển gì, được đưa về quê nhà.
Anh Nguyễn Chánh Tín hạnh phúc bên những người thân trong gia đình. Ảnh: NVCC
Điều đầu tiên tôi làm là chấp nhận tình trạng của mình, dù nhiều đêm vẫn mơ về quá khứ với cơ thể lành lặn. Chấp nhận vì không thể làm được điều gì khác, chấp nhận để sống tiếp với tâm thế thoải mái nhất có thể - cho bản thân và cho cả những người thân yêu, quan tâm đến mình. Tôi nhận ra, mình phải hiểu rõ hoàn cảnh hiện tại thì mới có được đường hướng sống tiếp và phát triển.
“Luôn có một ngày mai cho những ai bước tiếp”
“Tôi chọn sống” là cuốn tự truyện do anh Nguyễn Chánh Tín viết, được Công ty CP IQ Việt Nam liên kết xuất bản với NXB Thanh niên phát hành vào tháng 3.2021, thu hút đông đảo bạn đọc các tỉnh phía Nam. Sách dày 220 trang với 29 chương, ghi lại hành trình anh vượt qua biến cố, giành giật sự sống và gặp tình yêu đời mình. Theo bà Nguyễn Trang Nhung, Giám đốc Công ty CP IQ Việt Nam, dù chưa gặp mặt tác giả nhưng qua chia sẻ hằng đêm với nhau, bà biết Tín có thân phận đặc biệt, viết sách trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã. Những người khuyết tật, ngay cả Nick Vujicic cũng viết lúc khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn; còn Tín phải nằm một chỗ, uống thuốc giảm đau triền miên; viết bằng một ngón tay co quắp di trên máy tính bảng treo trước mặt.
● Ðề từ cho tác phẩm, anh đã viết rằng: “Luôn có một ngày mai cho những ai bước tiếp”. Phải chăng giờ đây trong anh, mọi tủi cực đã hoàn toàn tan biến…
- Hai năm qua, dịch Covid-19 hoành hành, tôi ở TP Hồ Chí Minh đã gặp không ít khó khăn trong công việc và cuộc sống. Dù vậy, bên cạnh tôi luôn có Trúc (chị Nguyễn Thủy Trúc, quê tỉnh Bến Tre, người yêu của anh) và những người tốt bụng giúp đỡ. Tôi viết cuốn tự truyện không phải để người khác cảm thương hoặc ca tụng nỗ lực bản thân, mà hoàn toàn xuất phát từ mong muốn chia sẻ với mọi người câu chuyện của đời mình. Qua đó, hy vọng một ai đó nếu rơi vào hoàn cảnh như tôi, khi đọc cuốn sách này, sẽ có động lực vươn lên nghịch cảnh, không đầu hàng số phận. Từ đó, đưa ra thông điệp: Tôi ổn và bạn cũng ổn.
“Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường. Tôi không may mắn khi phải đi trên con đường gập ghềnh, nhưng tôi muốn đi hết con đường này để xem đích đến có gì thú vị”.
(Trích “Tôi chọn sống”)
Đề từ của tác phẩm cũng nhằm mục đích động viên, khích lệ những người cùng cảnh ngộ như tôi, rằng miễn là bạn chấp nhận thực tại và dám dấn thân bước tiếp, sẽ luôn có một con đường để đi, có ngày mai, một tương lai phía trước.
● Cuộc sống hiện tại theo anh chia sẻ vẫn còn khá chật vật. Được biết, cả việc in sách anh cũng phải tính toán sao cho đỡ tốn chi phí nhất. Vậy quyết định trích 50% số tiền lời thu được từ việc bán sách để làm thiện nguyện là do...
- Do tôi muốn truyền cảm hứng, tạo động lực cho những người khuyết tật giống như mình. Tôi tặng họ quà từ tiền bán sách do chính tôi viết lúc đau đớn cũng là cách gửi niềm tin, hy vọng của tôi vào họ, rằng đến một ngày họ sẽ tìm thấy động lực, niềm vui sống trong cuộc đời này như tôi vậy. Tôi đã tổ chức tặng một vài đợt quà tại TP Hồ Chí Minh và lần này mang quà về quê cha đất tổ.
Hãy “chọn sống”
Chuyện trò với Nguyễn Chánh Tín làm tôi nhớ đến lần tham dự buổi giao lưu với dịch giả Nguyễn Bích Lan cùng tự truyện chị viết có tựa đề “Không gục ngã”. Cũng từng trải qua tuổi thơ hồn nhiên, thời mộng mơ xuân thì nhưng căn bệnh loạn dưỡng cơ ập đến, cướp đi những giấc mơ đẹp của tuổi trẻ. Bích Lan đã quyết định phải sống khác bằng cách bắt đầu tự học tiếng Anh và mày mò dịch sách. Văn chương và công việc dịch thuật đã tiếp cho chị nguồn năng lượng tích cực để chiến đấu với bệnh tật. Chị từng bảo, nếu không do căn bệnh trói buộc chị ở miết trong phòng, chưa chắc đã có dịch giả Nguyễn Bích Lan bây giờ.
● Nhiều người có số phận kém may mắn như anh thậm chí còn biến điều khiếm khuyết, không may ấy thành “thế mạnh riêng có” của bản thân. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi thấy họ rất bản lĩnh và đầy nghị lực. Như đã nói ở đề từ của cuốn sách, tôi tin mọi nỗ lực, cố gắng của những người như chúng tôi sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp. Riêng với mình, sau chuyến tặng quà ở quê nhà Tam Quan về, tôi nhớ hoài sự nhiệt tình của chính quyền địa phương, sự đón chào của người dân, người khuyết tật nhận quà. Những điều đó hun đúc trong tôi mong muốn có thêm những điều kiện thuận lợi để tổ chức thật nhiều đợt tặng quà khác trên quê hương nữa.
● Với những người không may mắn, nhất là các bạn trẻ gặp biến cố lớn trong cuộc đời, anh có lời khuyên gì giúp họ vượt qua những giai đoạn khó, tiếp tục sống tốt và phát triển bản thân?
- Theo tôi, nếu một ngày nào đó, chẳng may điều bất hạnh xảy ra thì đầu tiên là phải biết chấp nhận thực tại, bởi cái gì đến thì đã đến rồi, không thể thay đổi được. Tiếp đó, phải luôn nỗ lực, cố gắng sống tiếp để bản thân không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội; cố gắng hòa nhập tốt, sức đến đâu làm đến đó, giúp được ai thì giúp, làm được điều gì tốt cho ai thì làm.
Anh Tín chuyện trò, thăm hỏi người khuyết tật tại buổi tặng quà. Ảnh: Hội CTĐ phường Tam Quan
Hãy thật tích cực tìm kiếm giải pháp để bản thân giảm dần sự lệ thuộc vào người khác. Bản thân tôi đã luôn loay hoay, trăn trở và những năm qua đã có thể tự kiếm tiền nuôi mình. Không ngừng học hỏi, cập nhật thế giới xung quanh, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho bản thân và khi điều kiện cho phép thì chung tay tiếp sức, truyền cảm hứng, kinh nghiệm vượt qua khó khăn cho những người cùng cảnh ngộ như mình trong cộng đồng, xã hội.
● Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1987 ở Tam Quan, Hoài Nhơn. Tốt nghiệp THPT năm 2005, anh vào TP Hồ Chí Minh học đại học, sau đó bén duyên với công việc kinh doanh. Một đêm năm 2010, anh bị TNGT làm chấn thương tủy sống cổ, liệt tứ chi. Trở về quê nhà, anh nỗ lực tự nuôi sống mình bằng việc kinh doanh điện thoại qua mạng xã hội, bán tạp hóa... Qua bán hàng trên mạng, anh quen một cô gái Bến Tre xinh đẹp. Hai năm qua, anh chuyển vào TP Hồ Chí Minh sống cùng cô tại một chung cư, tiếp tục kinh doanh và viết tự truyện. Anh là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2021.
NGỌC TÚ (Thực hiện)