Từ một văn bản ghi nhận địa danh “huyện Tây Sơn”
Ðất Tây Sơn, nơi phát tích một phong trào quy tụ những nông dân chân lấm tay bùn nhưng từ đó đã đủ lực dựng lên vương triều mới thống nhất đất nước, khiến nhiều thế lực ngoại bang thất bại khi có ý đồ đưa quân can thiệp vào Việt Nam, từ bỏ ảo mộng biến nước ta thành quận huyện. “Tây Sơn” hẳn đã có từ xa xưa nhưng “huyện Tây Sơn” thì có từ lúc nào?
Cuối năm 1975, chính quyền cách mạng cho sáp nhập quận Vĩnh Thạnh với quận Bình Khê và cải làm huyện Tây Sơn. Nếu lấy đây làm căn cứ thì danh hiệu huyện Tây Sơn đã có cách nay chỉ mới 47 năm. Nhưng thật ra với tài liệu chúng tôi đã có được thì hơn 70 năm về trước, đã thấy xuất hiện danh hiệu “huyện Tây Sơn”, đó chính là một bản khế ước, tạm gọi là Thế Kháng Sính Lễ.
Mặt trước và mặt sau của khế ước Thế Kháng Sính Lễ của cặp vợ chồng Nguyễn Chí và Nguyễn Thị Trận. Ảnh: P.T.N
Chúng tôi hết sức quan tâm đến văn bản này bởi ngay từ dòng đầu tiên, văn khế này đã chép rõ: “Tây Sơn huyện, Vĩnh Thạnh tổng, Hữu Giang thôn”. Theo thông lệ ngày trước, trong một văn khế bao giờ cũng phải có 2 thông tin - thời gian (ngày tháng và niên hiệu của triều đại vị vua đang trị vì) và không gian, địa điểm nơi diễn ra sự việc. Cách ghi niên đại ngày xưa, ghi năm tháng liên quan một sự kiện không thể chỉ chép năm theo hệ thống Can - Chi vì lẽ cứ giáp vòng 60 năm, can chi đó sẽ lặp lại. Thành thử phải ghi đúng niên hiệu của vua trị vì bấy giờ là năm thứ mấy thì mới xác định chính xác thời điểm tạo lập văn bản.
Điểm đặc biệt ở văn khế Thế Kháng Sính Lễ là không có niên hiệu triều đại, mà chỉ chép: “Ất Dậu niên, Bát nguyệt, Nhị thập thất nhựt” tức là “Ngày 27 tháng 8 năm Ất Dậu”. Hãy cùng nhau suy luận về những năm Ất Dậu gần nhất: Ất Dậu 2005, Ất Dậu 1945, Ất Dậu 1885, Ất Dậu 1825… Khi đặt trên trục tuyến tính này ta dễ dàng nhận ra nhiều khả năng năm văn khế này ra đời là năm Ất Dậu 1945, năm nước nhà không còn vua trị vì, không còn bị trị bởi ngoại bang. Vì lẽ vua Bảo Đại đã thoái vị vào ngày 23.8.1945 (16.7 âm lịch) cùng với tuyên bố: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ”.
Khế ước ngày 27 tháng 8 năm Ất Dậu chưa thể xác định chính xác nó ghi ngày tháng theo Âm lịch hay Dương lịch. Nhưng nếu vốn theo Âm lịch có từ xa xưa mà quy chiếu ra Dương lịch thì đó là ngày 2.10.1945. Từ ngày 23 tháng 9, xung đột chiến sự Pháp - Việt đã xảy ra ở Nam bộ, Pháp theo chân quân đội Anh vào Sài Gòn với mưu đồ tái chiếm Việt Nam. Thiếu tướng Douglas D. Gracey, chỉ huy quân đội Anh giải giới lính Nhật ở Nam vĩ tuyến 16 bấy giờ đứng ra nối đàm phán với Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ, hai bên Pháp - Việt tạm thời hòa hoãn.
Ở huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định vào ngày 24.8.1945, Việt Minh đã chiếm huyện đường, buộc tri huyện Tôn Thất Diên giao ngay chính quyền cách mạng. Và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời huyện Bình Khê được thành lập, với thành phần lãnh đạo gồm công nhân cứu quốc hãng dệt Delignon và cán bộ Việt Minh các làng. Đến ngày 31.8.1945, cuộc khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo đã giành thắng lợi trong toàn tỉnh Bình Định. Bấy giờ tỉnh ta có tên là “tỉnh Nguyễn Huệ” và “huyện Tây Sơn” thay cho huyện Bình Khê của triều đình nhà Nguyễn lập ra năm 1888.
Chưa rõ danh hiệu “huyện Tây Sơn” có còn giữ nguyên hay không, khi những thông tin hiện nay cho thấy các tổng của huyện Bình Khê bấy giờ cũng được cải danh. Trong đó, tổng Phú Phong cải làm tổng Tây Sơn, tổng Trường Định gọi là tổng Hương Sơn, tổng Thuận Truyền gọi là tổng Võ Cự Công, riêng tổng Vĩnh Thạnh giữ nguyên tên. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các tên gọi cũ được trả lại như trước để dễ dàng ổn định quản lý hành chính chung cả nước. Tuy nhiên với văn khế Thế Kháng Sính Lễ năm Ất Dậu có thể khẳng định danh hiệu “huyện Tây Sơn” đã chính thức xuất hiện từ năm 1945.
Trong hôn ước ngày xưa và phổ biến ở tỉnh Bình Định, “sính lễ” là lễ vật của nhà trai mang đến nhà gái để xin cưới và thông thường sính lễ gồm trầu cau, trà rượu, hoa nữ trang sức, tiền bạc, heo cơm (dùng cho bữa đãi tiệc), heo cũi (dự phòng thừa ra cô dâu có thể nuôi, dùng làm vốn)… Bấy giờ nhiều gia đình khấm khá còn đưa cả ruộng đất với khế ước chứng tỏ quyền sở hữu vào gói lễ vật. Để đối ứng với sính lễ phía đàng trai, đàng gái cũng có thể phụ thêm vào đó với cam kết gọi là “Thế Kháng Sính Lễ”, coi như một cách bổ sung của hồi môn cho đôi trẻ sớm có vốn mà mưu sinh, gầy dựng sự nghiệp riêng.
Khế ước Thế Kháng Sính Lễ của cặp vợ chồng Nguyễn Chí và Nguyễn Thị Trận mà chúng tôi đọc được ở đây, lúc bấy giờ là 5 sào ruộng, năm 1945 thuộc địa phận thôn Hữu Giang, tổng Vĩnh Thạnh, huyện Tây Sơn, nay là thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Một bản văn khế chẳng bao nhiêu chữ, nhưng để lại cho đời sau biết bao điều cần phải biết về tục lệ của ngày xưa, về diên cách của một danh hiệu làng xã…
PHAN TRƯỜNG NGHỊ