Yêu và gắn bó với nghề
Dành gần cả cuộc đời gắn bó với nghề truyền thống, nhiều phụ nữ ở các làng nghề lựa chọn việc yêu và sống với nghề dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trên tất cả, các chị, các bà luôn dành vị trí quan trọng cho nghề, luôn nỗ lực để tiếp nối, duy trì và phát triển nghề mà mình lựa chọn.
Quen nghề từ thuở “trăng rằm”
Trong không gian đơn sơ, bình dị của làng gốm Vân Sơn (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn), bà Võ Thị Thay (63 tuổi) đều tay tạo hình những chiếc niêu trên bàn xoay nhỏ. Theo nghề từ năm 14 - 15 tuổi, bà đem lòng yêu mến nghề gắn liền với đất, với nước đến tận bây giờ.
“Ngày đó, ông bà, cha mẹ đều làm nghề này. Bởi thế, tôi quen với cảnh cả nhà sum vầy bên nhau, cùng làm ra từng mẻ gốm. Khi còn bé, tôi thấy kỳ diệu làm sao khi phần đất thô kệch kia, dưới bàn tay của bà, của mẹ lại trở nên đẹp đẽ, thanh thoát đến vậy. Thế là tôi yêu, tập tành từng chút rồi gắn bó với nó từ lúc nào chẳng hay”, bà Thay hồi tưởng.
Cũng theo lời bà, gốm là nghề không phải có người dạy là sẽ học được, mà phụ thuộc vào sự chủ động nắm bắt, rèn luyện tay nghề sao cho khéo trụ vững, đủ lực để sản phẩm được cân đối, không móp méo. Khó nhất là khâu chuốt, làm láng để từng lọ cắm, nồi đất được bắt mắt, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Bà Hiền cùng những sản phẩm gốm Vân Sơn truyền thống. Ảnh: D.L
Ngoài ra, quy trình làm gốm có nhiều công đoạn, mỗi người lo một khâu. Cùng với bà Thay, bà Đặng Thị Mỹ Hiền (51 tuổi) và bà Võ Thị Thiện (65 tuổi) là những người bạn đồng hành, cùng chung sức làm ra sản phẩm gốm truyền thống. Miệng nói tay làm hết năng suất nhưng vẫn giữ bầu không khí vui vẻ, lạc quan.
Bà Thiện chia sẻ: “Gắn bó với nghề này không chỉ bởi sự thích thú mà còn xen lẫn cả tự hào vì giữ gìn được truyền thống gia đình. Bởi vậy, dù thu nhập không cao nhưng chúng tôi vẫn quyết định theo nghề, xem đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống”.
Không chỉ tại làng gốm Vân Sơn, phần lớn phụ nữ bén duyên với nghề truyền thống đều ở độ tuổi “trăng rằm”. Tỉ mỉ đan thêu từng sợi chỉ trên chiếc nón tinh xảo, bà Nguyễn Thị Tâm (70 tuổi, ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) tâm sự, chiếc nón ngựa gắn với tuổi 15 của bà như một kỷ niệm đẹp với người mẹ đã khuất.
Bà Tâm giới thiệu sản phẩm nón ngựa Phú Gia. Ảnh: D.L
“Tôi nhớ mãi ký ức mẹ ân cần, cầm tay tôi hướng dẫn cách thêu sao cho sắc nét, đường chỉ thật chắc tay, góp phần tạo nên dấu ấn của làng nghề nón ngựa được lưu truyền bao đời nay. Là thành viên trong gia đình có 4 thế hệ theo nghề này, tôi luôn tự hào và gửi tình yêu, sự trân quý vào trong từng chiếc nón”, bà Tâm xúc động.
Trân trọng, nỗ lực vì nghề
Tuổi cao là thế nhưng những phụ nữ ở làng gốm Vân Sơn vẫn miệt mài sớm hôm. Họ nói vui rằng nghề này không có tuổi về hưu, nên chị em cứ trẻ mãi; ai còn sức còn làm, vừa để tăng thu nhập, vừa không nỡ rời xa cái nghề truyền thống.
“Làm nhiều, lắm lúc bị nước ăn tay nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành chứ không bỏ dở. Lâu dần, chị em học được cách pha nước với muối loãng để bảo vệ tay, yên tâm nhào đất, tạo hình”, bà Hiền cười nói.
Vất vả là vậy, nhưng lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng giảm, thu nhập bình quân mỗi ngày chỉ ở mức 100 - 150 nghìn đồng/người. Do đó, ngày càng neo người quyết tâm nối nghiệp truyền thống.
Trước tình hình đó, nhiều phụ nữ đã chủ động tìm hiểu, phối hợp cùng địa phương triển khai các tour du lịch kết hợp với trải nghiệm thực tế ở làng nghề, vừa tăng thu nhập, vừa quảng bá nét đẹp văn hóa quê hương với du khách. Ngoài ra, nhiều phụ nữ cũng mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị nhằm giảm tải sức người, tăng năng suất làm việc.
Không chỉ nỗ lực sống trọn với nghề, thợ thủ công còn mong muốn truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau. Chị Thạch Thị Thanh (SN 1992, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) là một trong những người trẻ được bà Tâm hướng dẫn, truyền nghề. Đều đặn hằng tuần, chị lại đến nhà bà Tâm, học từ những điều cơ bản nhất như: Sợi chỉ dùng để thêu cần phải chuốt qua bằng sáp ong để được săn, tăng vẻ sắc sảo và bền cho hoa văn; cách di chuyển mũi kim sao cho các đường nét được liên tục, không ngắt quãng…
Chị Thanh chia sẻ: “Có học mới biết, làm ra một chiếc nón đẹp, khéo vô cùng khó. Là người trẻ đam mê với các bộ môn thủ công truyền thống, đặc biệt là nón ngựa Phú Gia, tôi đã xin học nghề để có thể tìm hiểu sâu hơn, góp chút sức mình để nét đẹp truyền thống này không bị mai một”.
Hết lòng với nghề truyền thống, ngoài hy vọng tiếp nối giá trị từ thế hệ trước tới thế hệ sau, điều chị em nhận lại được chính là kỷ niệm vô giá của những người thân yêu.
“Không chỉ là sản phẩm đặc trưng của địa phương, nón ngựa Phú Gia còn là món đồ có tính dòng tộc, giàu truyền thống. Mỗi thế hệ trong gia đình tôi đều gửi lại một chiếc cho con cháu như lời dặn dò phải luôn ghi nhớ, gìn giữ và tiếp nối nét đẹp văn hóa ấy”, bà Tâm tự hào nói.
DƯƠNG LINH