Một hộ dân ở Cát Hải chế biến mực xà gây ô nhiễm môi trường
Tại thôn Tân Thắng (xã Cát Hải, huyện Phù Cát), hơn nửa tháng nay, người dân khổ sở vì tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động chế biến mực xà của một hộ trong thôn.
Nhận được phản ánh của người dân thôn Tân Thắng, trưa 5.8, phóng viên Báo Bình Định có mặt tại khu vực chế biến mực xà của hộ ông Nguyễn Văn Sơn (xóm 1, thôn Tân Thắng), thấy hàng trăm vỉ mực nằm phơi trên đám ruộng sát bên cạnh nhà ông này; bên trong mái hiên là khu vực chế biến mực, nước rửa mực và ruột, túi mực chảy trực tiếp thấm xuống đất và tràn ra đám ruộng bên cạnh tạo thành lớp bùn đen, bốc mùi hôi thối.
Hàng trăm vỉ phơi mực nằm trên đám ruộng sát bên cạnh nhà ông Sơn bốc mùi hôi thối, phát tán ra môi trường (ảnh chụp ngày 5.8). Ảnh: V.LƯU
Một người dân ở thôn Tân Thắng (xin giấu tên) cho biết: Từ hơn nửa tháng qua, cứ chờ đến đêm khuya, một chiếc xe đông lạnh chở mực từ nơi khác đến tập kết tại nhà ông Sơn. Trong quá trình chế biến mực, phát sinh mùi hôi thối rất nặng, nhất là vào buổi trưa... “Nhiều lúc dọn cơm lên ăn nhưng không thể ăn được vì mùi hôi của mực làm mắc ói. Nếu tình trạng này còn tiếp tục, chúng tôi rất dễ bị bệnh liên quan đến đường hô hấp...”, một người dân thôn Tân Thắng cho biết thêm.
VIDEO: VĂN LƯU
Theo ông Võ Kế Hùng, công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường UBND xã Cát Hải, ở xã cũng từng có một hộ sản xuất mực xà gây ô nhiễm nên UBND xã đã xử lý dứt điểm, hiện hộ này không còn sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hộ ông Nguyễn Văn Sơn đã chuyển cơ sở sản xuất mực xà ở khu vực cửa biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) về địa phương tiếp tục sản xuất, không đảm bảo về môi trường theo quy định.
Cơ sở sản xuất mực xà của ông Sơn đang sơ chế mực. Ảnh: UBND xã Cát Hải
Về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho biết: Ngày 3.8, xã thành lập đoàn đi kiểm tra một số công trình cấp thoát nước theo kiến nghị của cử tri. Khi đi ngang qua thôn Tân Thắng phát hiện có “mùi lạ”. Chúng tôi yêu cầu chi bộ và trưởng thôn báo cáo thì mới biết cơ sở chế biến mực xà của hộ ông Nguyễn Văn Sơn gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra thực tế tại nhà ông Sơn, chúng tôi thấy trong quá trình sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải. Mực xà sau khi sơ chế đem phơi ở đám ruộng nằm trong khu vực đông dân cư nên mùi hôi thối phát tán khắp nơi. Mặc khác, khi hộ ông Sơn di chuyển cơ sở sản xuất về đây hoạt động cũng không báo cáo chính quyền địa phương. Do đó, tổ công tác có nhắc nhở, yêu cầu hộ ông Sơn chấm dứt việc chế biến mực xà và ông Sơn hứa sẽ chấp hành.
Tuy nhiên, sau đó hộ ông Sơn vẫn tiếp tục sơ chế mực xà. Đến ngày 6.8, UBND xã Cát Hải thành lập đoàn công tác kiểm tra theo báo cáo của Trưởng thôn Tân Thắng về vụ việc trên. Tại thời điểm kiểm tra, có 11 lao động là người dân địa phương đang xẻ, phơi mực xà và vào bao bì đưa đi tiêu thụ; khối lượng mực xà tại hiện trường khoảng 600 kg. UBND xã Cát Hải đã lập biên bản yêu cầu cơ sở của ông Sơn không được tiếp tục sản xuất. Nếu gia đình ông Sơn không chấp hành, xã sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. “Trước mắt, chúng tôi lập biên bản, báo cáo vụ việc đến UBND huyện Phù Cát để có chỉ đạo từ huyện. Quan điểm của xã là không bao che mà sẽ xử lý nghiêm nếu hộ ông Sơn không chấp hành”, ông Phong cho hay.
Công đoạn sơ chế mực xà ở tại nhà ông Sơn không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Được biết, việc ông Sơn chuyển cơ sở về nhà ở xã Cát Hải là bởi chính quyền xã Cát Khánh không cho các hộ chế biến mực xà tiếp tục hoạt động ở khu vực cửa biển Đề Gi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhiều năm qua, khiến người dân Cát Khánh rất bức xúc. Từ vụ việc này, thiết nghĩ các cấp chính quyền huyện Phù Cát và các ngành liên quan cần phối hợp giải quyết tận gốc, tránh tình trạng các cơ sở chế biến mực xà bị cấm ở nơi này lại chuyển về nơi khác, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
VĂN LƯU