Hội Sinh vật cảnh huyện Phù Cát: Phát triển hội viên, tạo đà lan tỏa
Thuộc diện “sinh sau đẻ muộn” so với các địa phương khác trong tỉnh như Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, nhưng mấy năm gần đây, phong trào sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh ở huyện Phù Cát phát triển khá tốt. Đại hội thành lập Hội Sinh vật cảnh huyện Phù Cát lần thứ I, nhiệm kỳ 2022 - 2027 (tháng 5.2022) và Triển lãm sinh vật cảnh sắp diễn ra để chào mừng Quốc khánh 2.9 là lời khẳng định cho sự trỗi dậy, vươn lên của phong trào.
Ông Võ Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Phù Cát, nhìn nhận: Số lượng nghệ nhân có tay nghề cao, chất lượng tác phẩm nghệ thuật bonsai có xuất xứ từ Phù Cát không hề kém cạnh bất cứ đâu. Đặc biệt, nhờ sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ SVC, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, góp phần giữ gìn và nâng cao tình yêu thiên nhiên, hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống trong lành. Vì vậy, Đại hội thành lập Hội SVC huyện Phù Cát, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã tập hợp, trao đổi kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu của những người quan tâm, chuyên chú nghiên cứu về nông nghiệp, sinh học, các nhà sản xuất, kinh doanh và yêu thích các loại SVC ở địa phương.
Trong số nhiều chi hội, CLB SVC được thành lập ở huyện Phù Cát, CLB SVC Núi Bà (thị trấn Cát Tiến) là đơn vị có tổ chức hoạt động bài bản hơn cả. Từ một vài thành viên có chung đam mê cây cảnh nghệ thuật, bonsai, đến nay, sau 2 tháng thành lập, CLB thu hút khoảng 200 người tham gia, trong đó có 50 hội viên “cứng” có hộ khẩu thường trú ở địa phương. Hằng tuần, vào thứ Bảy, Chủ nhật, các thành viên CLB có mặt tại quán cà phê Thanh Lịch và vườn SVC của nghệ nhân Trần Đình Hòa (thị trấn Cát Tiến) để cùng nhau trao đổi, giao lưu chuyện nghề…
Thành viên CLB SVC Núi Bà tham gia sinh hoạt vào cuối tuần. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo ông Lê Đức Hà, Chủ nhiệm CLB SVC Núi Bà, tiêu chí để kết nạp vào CLB SVC rất giản dị, đó là thành viên phải có đam mê và tin tưởng. Đam mê là bởi CLB hướng đến đối tượng là những người yêu thích cây cảnh nghệ thuật, bonsai, gỗ lũa, gỗ điêu khắc có giá trị thẩm mỹ. Thành viên CLB phải có sự tin tưởng nhau khi tham gia sinh hoạt và trong giao dịch thương mại. Bên cạnh đó, CLB luôn hướng đến sự phát triển bền vững, tạo uy tín, thương hiệu SVC ở địa phương, xứng đáng với danh xưng Núi Bà - ngọn núi cao lớn nằm ở vùng đồng bằng của huyện Phù Cát gắn liền với lịch sử quê hương.
Nghệ nhân SVC Trần Đình Hòa, thành viên CLB SVC Núi Bà, chia sẻ: Chơi cây cảnh nghệ thuật, bonsai vừa là đam mê, nhưng đó cũng có thể là nghề tốt để mưu sinh. Anh em CLB đến với nhau bằng niềm đam mê, sự tin tưởng và cả tinh thần nhân văn. Xác định được như vậy thì CLB mới phát triển bền vững, gắn kết. Tôi hy vọng thời gian tới, phong trào SVC của huyện sẽ có bước chuyển mình để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và phong cách để SVC huyện Phù Cát sớm được nhiều người đam mê cây cảnh trong cả nước biết đến.
Nghệ nhân SVC Trần Đình Hòa (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc cây cảnh nghệ thuật. Ảnh: TRỌNG LỢI
Không chỉ kết nạp người ở địa phương, CLB SVC Núi Bà còn là nơi kết nối, tập hợp những nghệ nhân, người yêu thích cây cảnh ở các xã, phường khác của tỉnh đến thưởng ngoạn, giao lưu. Anh Lê Văn Thông, 47 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, người có gần 20 năm gắn bó với cây cảnh nghệ thuật, bonsai, thổ lộ: “Vào dịp cuối tuần được ngồi cùng anh em trong CLB nói chuyện về chủ đề cây cảnh đem đến cho tôi cảm giác thú vị. Thông qua những buổi trao đổi, tôi lại được cập nhật thêm kiến thức, bài học kinh nghiệm bổ ích về cách chăm sóc cây cảnh và cả đối nhân xử thế trong cuộc sống…”.
Hội SVC huyện Phù Cát có khoảng 500 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có nhiều nghệ nhân SVC cấp tỉnh. Thời gian tới, Hội xác định xây dựng, củng cố hội viên ở các xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của Hội SVC; tuyên truyền về lợi ích và những đóng góp của SVC đối với KT-XH của địa phương.
Ông Võ Mộng Hùng, Chủ tịch Hội SVC huyện Phù Cát chia sẻ: Chúng tôi sẽ tìm cách đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế SVC, từng bước đưa SVC trở thành ngành kinh tế mang lại giá trị kinh tế cao, phát huy những giá trị văn hóa của quê hương trên lĩnh vực SVC…
TRỌNG LỢI