Ngành gỗ tìm cơ hội từ thách thức
Ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn, trước tiên là việc thiếu nguyên liệu sản xuất, tiếp cận tín dụng và thị trường mới.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành gỗ Bình Định đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 629 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 64% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Giá trị nhập khẩu gỗ của Bình Định trong 7 tháng đầu năm ước đạt 33,1 triệu USD, tăng 10% giá trị kim ngạch so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, ngay sau những thông tin phấn khởi này là rất nhiều khó khăn, lo lắng.
Nhận diện khó khăn
Phản ánh của nhiều DN cho biết, từ đầu quý II/2022 đến nay, ngành gỗ cả nước nói chung và Bình Định nói riêng phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến mùa hàng 2022 - 2023. Các yếu tố bất lợi được nhận diện là thiết hụt trầm trọng gỗ nguyên liệu sản xuất, phụ kiện; lạm phát tăng cao do hậu quả dịch Covid-19; chiến tranh Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế.
Năm ngoái, vào thời điểm này, một số DN đã có đơn hàng đến quý III, quý IV/2022, nhưng chuẩn bị cho mùa hàng mới năm 2023, đến nay nhiều DN chưa có đơn hàng và hiện đã có xưởng phải tạm dừng sản xuất. Còn các nhà máy đã có đơn hàng đến cuối năm 2022 thì đối mặt với tình trạng khách chậm xác nhận booking (mã xác nhận vận chuyển hàng hóa), kéo dài thời gian giao hàng, chậm thanh toán do tồn kho, hệ lụy là xuất hiện gánh nặng tài chính, chậm trả lãi, trả vốn vay cho ngân hàng...
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt. Ảnh: T.D
Nói về khó khăn của ngành gỗ, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản (FPA) Bình Định, cho biết, trong tháng 7 và đầu tháng 8.2022, một số hội viên phản ảnh về tình trạng lãi vốn vay tăng do chính sách thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát, hạn mức tín dụng bị hạn chế do đơn hàng giảm.
“Nhằm tháo gỡ nút thắt về khó khăn trong tiếp cận các gói tín dụng, tại hội thảo ngày 5.8 vừa qua, đại diện lãnh đạo Techcombank thông tin ngân hàng có gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các DN trong hệ sinh thái ngành gỗ tại Bình Định với mức tín chấp 90% hạn mức giá trị hợp đồng. Trên cơ sở những vấn đề đặt ra tại hội thảo, Techcombank cùng FPA Bình Định sẽ tổng hợp các giải pháp chiến lược tạo điều kiện cho DN tiếp cận sớm các gói tín dụng”, đại diện của Ngân hàng Techcombank Quy Nhơn chia sẻ thông tin.
Linh hoạt tìm giải pháp thích ứng
Ngành gỗ phải tự cứu mình trước
“Các DN cần chủ động thích ứng với những bất định, biến động, những phức tạp thậm chí cả những mơ hồ của thị trường hiện nay. Những thay đổi về thị hiếu người tiêu dùng, xu thế tiêu dùng hiện nay đã phá vỡ chiến lược sản xuất của các DN. Do vậy, các DN cần đề ra các giải pháp linh hoạt để thích ứng, duy trì sản xuất. Đặc biệt là phải đổi mới, sáng tạo, quan tâm hơn đến tiêu chuẩn mỹ thuật trong ngành gỗ, bởi nó sẽ mang đến giá trị gia tăng - yếu tố mỹ thuật sẽ đánh vào cảm xúc của người tiêu dùng, đó là sự bền vững của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Nói cách khác ngành gỗ phải tự cứu mình trước!”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN
(Trích phát biểu chia sẻ với cộng đồng DN ngành gỗ Bình Định)
Để hoàn thành mục tiêu năm 2022 là đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 960 - 980 triệu USD, tăng khoảng 8 - 10 % so với năm 2021, các DN ngành gỗ phải nỗ lực, linh hoạt và thích ứng nhanh với thay đổi, tìm kiếm thị trường ngách phù hợp để sản xuất. Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy, FPA Bình Định phối hợp với Techcombank Quy Nhơn tổ chức hội thảo “Dự báo năm 2022: Xu thế và cơ hội cho DN ngành gỗ” vào ngày 5.8, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị cho mùa sản xuất hàng năm 2023.
Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài, Phó Chủ tịch FPA Bình Định, nhận định, với dự báo về thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đầu vào sẽ còn kéo dài, nhằm ổn định sản xuất, DN ngành gỗ nên chủ động liên kết để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu. Các DN, hiệp hội ngành hàng cần thống nhất định hướng ngăn chặn tình trạng khai thác sớm, khai thác non rừng trồng để giữ sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa các nhóm ngành hàng gỗ, bảo vệ hình ảnh và uy tín ngành gỗ trong tương lai. Để làm được điều này, cùng với nỗ lực từ DN, Hiệp hội, cần phải có những chính sách hỗ trợ hiệu quả từ phía Nhà nước, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn phù hợp để các chủ rừng có thêm điều kiện tham gia vào chuỗi liên kết.
“Để giải được 3 bài toán khó của ngành gỗ là nguyên liệu - thị trường - tín dụng, đều phải có sự tham gia của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý. Chúng tôi có kiến nghị tới Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ các khoản vay... để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Chủ tịch FPA Bình Định Lê Minh Thiện cho biết.
THU DỊU