PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TẠI CÁC ĐIỂM PHỤC VỤ DU LỊCH:
Phải luôn chú trọng, tuân thủ quy định và hướng dẫn
Đảm bảo an toàn PCCC tại các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn là vấn đề cần được quan tâm đúng mức, trong bối cảnh Quy Nhơn - Bình Định đang phát triển du lịch và hiện là mùa hè hanh khô, nắng nóng, nguy cơ cháy nổ cao. Phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN (CA tỉnh) về vấn đề này.
*Được biết, trên địa bàn TP Quy Nhơn vẫn còn nhiều khách sạn, nhà nghỉ tư nhân, các homestay có dạng nhà ống, thiếu các trang thiết bị PCCC&CHCN, gây khó khăn cho việc tổ chức thoát nạn và chữa cháy nếu có sự cố xảy ra. Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN đã quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Một số cơ sở đã được xây dựng, nghiệm thu đảm bảo các điều kiện về PCCC từ nhiều năm trước nhưng thời điểm hiện tại, căn cứ vào các tiêu chuẩn về PCCC mới ban hành thì lại không đảm bảo an toàn theo quy định. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có buồng thang thoát nạn kín, không có hệ thống tăng áp, chèn hố kỹ thuật thông tầng, các ống đổ rác nhà cao tầng được làm từ vật liệu dễ cháy…
Để kịp thời chấn chỉnh, thời gian qua, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở trên. Qua đó hướng dẫn các chủ cơ sở kịp thời trang bị các phương tiện, hệ thống PCCC đảm bảo an toàn theo quy định.
* Để đảm bảo an toàn PCCC, ông có thể cho biết thêm các DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần phải làm những gì?
- Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo các chủ cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC để nâng cao ý thức về công tác PCCC cho nhân viên và người thuê phòng. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định an toàn PCCC; niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ. Đầu tư, trang bị hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn chung cho từng cơ sở; tổ chức lực lượng PCCC cơ sở, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và duy trì hoạt động thường xuyên đối với lực lượng này.
Từng cơ sở phải tăng cường công tác thường trực, tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng PCCC cơ sở để giải quyết kịp thời khi có cháy, nổ; xây dựng và thực tập phương án PCCC&CNCH với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.
Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN CA tỉnh tập huấn, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ cách PCCC&CHCN hiệu quả. Ảnh: N.H
* Ngoài khuyến cáo chung trên, ông còn lưu ý cụ thể gì thêm?
- Cần tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Kiểm tra, thay thế đường dây dẫn điện đã cũ, hỏng; lắp đặt các thiết bị bảo vệ hệ thống điện cho từng khu vực; không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất, cách âm… Quản lý chặt chẽ, sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt. Không bố trí hàng hóa, vật tư, vật liệu dễ cháy và dễ bắt cháy gần với vị trí đặt ổ cắm điện, các thiết bị tiêu thụ điện…
Kịp thời gọi điện thoại báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114. Đồng thời, sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay ban đầu. Khi xảy ra cháy, nổ cần bình tĩnh để xử lý tình huống, nhanh chóng cắt điện khu vực cháy, báo động cho mọi người biết để kịp thời di chuyển ra ngoài theo bảng chỉ dẫn thoát nạn.
Mọi người chỉ được dùng thang bộ, tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn; bởi hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Khi phải thoát ra khu vực có khói, lửa, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, giẻ mềm thấm nước để che chắn mặt, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)