Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về chuyển đổi số
(BĐ) - Sáng 9.8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (còn gọi là Đề án 06).
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị do Bộ CA phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối tới UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; 130.700 đại biểu tham dự Hội nghị qua gần 11.000 điểm cầu trên cả nước.
Tham gia hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06, với 7 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình triển khai cụ thể. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đến cấp cơ sở để quán triệt, triển khai Đề án quan trọng này.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan Nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá trung thực, khách quan những kết quả thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng qua; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương; thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, những vấn đề có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện; đề xuất các giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Tổ công tác triển khai đề án tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, 23/23 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, 705 cấp huyện và 10.599 cấp xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06. Trong đó, nổi bật là Bộ CA đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 theo chức năng của lực lượng CAND. Nhìn chung, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, DN đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển KT-XH.
Tại Bình Định, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh, CA các địa phương đã tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch và thành lập 11/11 Tổ công tác, ban hành quy chế hoạt động Tổ công tác để triển khai thực hiện Đề án 06 tại cấp huyện. Đồng thời, chỉ đạo CA cấp xã tham mưu UBND cấp xã ban hành kế hoạch và thành lập 159/159 Tổ công tác tại cấp xã và 1.114/1.114 tại thôn, bản, khu phố để triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch, tiêm chủng… đảm bảo nguồn thông tin chính xác phục vụ chia sẻ, kết nối; công tác cấp căn cước công dân, triển khai dịch vụ công trực tuyến đều được thực nghiêm túc. Củng cố, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực làm sạch dữ liệu đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để kết nối, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Hoàn thành việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc các lĩnh vực hộ tịch, BHXH, giáo dục, y tế, đất đai, lao động… phục vụ người dân, DN.
Từ nay đến cuối năm 2022, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của đề án để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và DN. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó tập trung triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 để phục vụ người dân và DN. Phối hợp triển khai tích hợp các giấy tờ công dân để sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, trong đó tích hợp thông tin thẻ BHYT, giấy đăng ký, giấy phép lái xe… tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch. Chỉ đạo CA các xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện công tác làm sạch dữ liệu thông tin dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Các sở, ngành cập nhật, bổ sung dữ liệu chuyên ngành, làm giàu dữ liệu khi được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
TRỌNG LỢI