Chị Nhung thành công trong trồng cây ăn trái sạch quy mô lớn
Năm 2017, chị Đỗ Thị Hồng Nhung quyết định bán một phần đất đai của gia đình ở trung tâm xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn để vào thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân mua 1 ha đất làm vườn cây ăn trái sạch, theo hướng hữu cơ. Trong 2 năm kế tiếp, chị Nhung đã mở rộng vườn cây lên 9 ha, đầu tư, cải tạo những diện tích đất đồi bạc màu, cho hạ độ cao, độ dốc thành những bãi bằng phẳng để trồng 700 gốc bưởi, 3.000 gốc quýt đường và 1.000 gốc cam xoàn.
Chị Nhung (bên trái) và đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn cùng khảo sát, đánh giá mô hình vườn cây ăn trái để làm hồ sơ cấp chứng nhận OCOP. Ảnh: M. MIÊN
Chị Nhung chia sẻ: Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình liều lĩnh bởi để cải tạo địa hình từ đồi núi, đá sỏi lồi lõm, tôi đầu tư mua luôn 6 ô tô và máy ủi - múc để san gạt mặt bằng. Không chỉ vậy, tôi còn tổ chức cải tạo đất, tạo độ xốp và gia tăng dinh dưỡng bằng phân chuồng, mùn dừa, phân hữu cơ vi sinh… bởi muốn trồng được cây ăn trái theo hướng hữu cơ phải chấp nhận đầu tư lớn và lâu dài.
Mùa thu hoạch trái bói đầu tiên năm vừa rồi, chị Nhung thu về khoảng 5 tấn bưởi, 30 tấn quýt và 10 tấn cam xoàn. Dự kiến năm tới, sản lượng thu hoạch sẽ tăng lên gấp 3 lần và mỗi năm cho phép thu hoạch 2 đợt. Chị Nhung chia sẻ: “Phát triển theo hướng hữu cơ, cây chắc, bền, thu hoạch lâu dài, sản phẩm đưa ra thị trường tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ tiếng thơm là vườn cây ăn trái canh tác theo hướng hữu cơ nên đến nay không chỉ trong tỉnh, tôi đã có bạn hàng từ các tỉnh thành xa như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai…”.
Ông Đỗ Cao Phi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Xuân, cho biết: Để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp cần những mô hình canh tác như của chị Nhung và hơn nữa rất cần sự liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi sản phẩm để đảm bảo ổn định. Chính vì vậy, cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi đang vận động, tạo điều kiện, hỗ trợ chị Nhung đăng ký 3 sản phẩm gồm bưởi, quýt đường và cam xoàn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.
MỘC MIÊN