EU: Số giấy phép cư trú cấp lần đầu tăng lên gần mức trước đại dịch
Số lượng giấy phép cư trú lần đầu được cấp ở EU cho công dân không thuộc khối này trong năm 2021 đã tăng lên mức 2.952.300 giấy phép, gần tương đương con số 2.955.300 giấy phép của năm 2019.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 9.8 cho thấy giấy phép cư trú được cấp lần đầu tại khối liên minh này trong năm 2021 đã tăng lên gần mức trước đại dịch Covid-19.
Người dân trên đường phố Rome (Italy), ngày 11.2.2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ba Lan đứng đầu khối về số lượng giấy phép cư trú cấp lần đầu, phần lớn là do dòng người nhập cư liên quan đến công việc, trong khi lượng giấy phép cư trú tại Pháp được cấp chủ yếu cho sinh viên nước ngoài.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, số lượng giấy phép cư trú lần đầu được cấp ở EU cho công dân không thuộc khối liên minh này trong năm 2021 đã tăng 31% so với năm trước đó, lên mức 2.952.300 giấy phép, gần tương đương con số 2.955.300 giấy phép của năm 2019.
Sự gia tăng này chủ yếu là do mục đích việc làm (vốn chiếm 1,3 triệu giấy phép trong năm ngoái) và học tập. Thống kê cho thấy Ba Lan đã cấp gần 1 triệu giấy phép cư trú lần đầu, chiếm 33% tổng số giấy phép của cả khối.
Trong số này, 790.100 giấy phép liên quan đến lao động. Người dân Ukraine được cấp giấy phép cư trú nhiều nhất với 666.300 trường hợp theo các thỏa thuận song phương.
Tiếp theo Ba Lan là Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Đức và Hà Lan. Cả sáu nước này chiếm tới 75% số giấy phép cư trú cấp lần đầu tại EU trong năm 2021.
Người dân Ukraine được nhận giấy phép cư trú mới nhiều nhất, chiếm 30% trong tổng số giấy phép được cấp. Giấy phép cư trú tại EU cấp cho công dân Maroc và Belarus cùng chiếm 10%.
Theo Eurostat, cho đến nay, Pháp là điểm đến phổ biến nhất của sinh viên ngoài các nước EU với 90.600 giấy phép cư trú được cấp lần đầu, trong số này sinh viên Trung Quốc chiếm phần lớn.
Lượng giấy phép cư trú cấp lần đầu cho người Syria và Brazil giảm trong năm 2021 với mức giảm tương ứng là 14% và 2%.
Eurostat cho rằng sự gần gũi về địa lý, sự liên kết về lịch sử và ngôn ngữ và mạng lưới di cư là yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến đối với nhiều người nhập cư mới.
Ba Lan là điểm đến của chủ yếu người Ukraine và Belarus, trong khi người Maroc, Brazil, Colombia thường tìm đến các địa chỉ cư trú như Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha./.
(Theo Thanh Hương/TTXVN/Vietnam+)