Chương trình khuyến công năm 2022: Nhiều niềm vui ở chặng đường đầu
Hiện nay, 5 trong tổng số 17 đề án được ngân sách hỗ trợ kinh phí thực hiện thuộc Chương trình khuyến công năm 2022 đã hoàn thành, được nghiệm thu. Các đề án đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận cơ hội phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Máy đóng gói trà túi lọc vừa được lắp ráp tại Công ty TNHH DULAH, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Hồ Duy Đức, chủ hộ kinh doanh cửa nhôm kính ở xã An Tân, huyện An Lão rất muốn nâng cấp xưởng, đầu tư thêm máy móc để sản xuất cửa nhôm kính Xingfa nhưng chưa biết tìm đâu ra vốn. Để sản xuất được cửa nhôm kính Xingfa cần có máy cắt 2 đầu, máy phay đố, máy ép góc, máy nén khí, máy đột dập ke vĩnh cửu…, tất cả cần khoảng 220 triệu đồng.
Ông Đức cho biết: Đang loay hoay thì tôi được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM, thuộc Sở Công Thương) hỗ trợ 50% giá trị đầu tư. Sau 1 tháng hoạt động thử nghiệm, sản phẩm cửa nhôm kính Xingfa của chúng tôi đã được khách hàng địa phương đánh giá cao. Sau 2 tháng vận hành, năng lực sản xuất của cơ sở nhôm kính Duy Đức đã tăng lên gấp 3 lần, đạt mức 750 m2/năm; ước tính lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với trước.
Còn bà Đặng Thị Cẩm Lai, Giám đốc Công ty TNHH DULAH, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân chuyên sản xuất trà nụ hoa hòe, chia sẻ: Gia đình đã dốc hết sức trong một thời gian ngắn với áp lực tài chính cao nên việc xoay xở vốn để đầu tư thêm máy móc rất khó khăn. Nhờ Trung tâm KC&XTTM hỗ trợ 158 triệu đồng, tôi như được dỡ bỏ gánh nặng, tập trung đầu tư mua máy móc, chạy thử để sản xuất cho được trà túi lọc nụ hoa hòe. Nhờ nâng cao năng suất, giảm được chi phí sản xuất, ước tính doanh thu sẽ hơn 6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 180 triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, bình quân mỗi năm tỉnh Bình Định dành khoảng 3 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công; so với nhu cầu thực tế đây là con số rất khiêm tốn. Do đó, Trung tâm KC&XTTM ưu tiên bố trí hỗ trợ trang bị máy móc, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói… Chương trình khuyến công không hỗ trợ 100% mà chỉ hỗ trợ một phần, từ 50 - 60% nhu cầu, còn lại DN, cơ sở sản xuất phải đối ứng.
Năm 2022, Trung tâm hỗ trợ cho nhiều đề án như sản xuất bánh in, bún phở khô, sữa bột ngũ cốc, dầu phụng tinh khiết, rong biển… Bà Trần Thị Tuyết Hương, chủ hộ sản xuất dầu phụng tinh khiết ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn, cho biết: Với máy móc hiện đại vừa được lắp đặt, mỗi năm chúng tôi ép khoảng 50 tấn đậu phụng, thu được 17.000 lít dầu, gấp 1,3 lần trước đây. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm cao hơn, chi phí sản xuất lại giảm, nhờ đó lợi nhuận tăng và khả năng cạnh tranh tốt hẳn lên. Tôi thấy khoản vốn đầu tư 300 triệu đồng cho đề án này rất nhiều hữu ích.
Theo các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh, sau dịch Covid 19, sự hỗ trợ của chương trình khuyến công là đúng lúc và cần thiết. Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM, cho biết: “Trước đây, chương trình tập trung phần lớn vào các chương trình tập huấn, đào tạo DN, cơ sở công nghiệp nông thôn về kiến thức an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của quốc tế… Năm nay, chúng tôi tập trung hỗ trợ máy móc thiết bị, thay đổi công nghệ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Từ tháng 8 đến 12.2022, Trung tâm sẽ nghiệm thu số đề án còn lại, hy vọng lúc đó sẽ còn nhận được nhiều tin vui hơn”.
Xét trên phương diện vốn đầu tư thì lượng vốn ngân sách hỗ trợ không lớn, tuy nhiên, với những DN nhỏ, các cơ sở công nghiệp nông thôn, đây lại là nguồn động viên, tạo động lực ban đầu quan trọng khiến các DN, cơ sở sản xuất thêm hăng hái tích cực đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ sản xuất… Dù vậy, qua những chuyển động tích cực gần đây đã phát sinh nhiều vấn đề mới buộc các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn phải nhanh chóng, chủ động chuyển hướng, nâng cao năng lực, linh hoạt thích ứng, đặc biệt là vấn đề vừa phát triển sản xuất kinh doanh, vừa đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, tích cực tìm kiếm thị trường, khách hàng mới.
HẢI YẾN