Ðồng hành, chia sẻ với ngư dân
“Ngăn chặn vi phạm IUU phải bắt đầu từ việc thay đổi thói quen, nhận thức của ngư dân. Tuyên truyền, hỗ trợ là một phần công việc của Ðoàn công tác liên ngành, trên hết nhân dịp này chúng tôi muốn gặp gỡ, lắng nghe, trò chuyện với bà con ngư dân của mình để thấu hiểu, chia sẻ khó khăn. Từ đây có thể tìm ra giải pháp phù hợp để thực hiện tốt cam kết không vi phạm IUU, hướng tới phát triển nghề cá theo hướng bền vững”. Ðó là chia sẻ của Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc tại buổi gặp gỡ với ngư dân Bình Ðịnh ở các tỉnh phía Nam trong chuyến công tác từ ngày 8.8 đến nay.
Tuyên truyền để ngư dân nắm bắt vấn đề
Chiều 9.8, hơn 100 ngư dân quê ở huyện Phù Cát có mặt tại UBND phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu , tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự tập huấn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là lần đầu tiên những ngư dân Bình Định xa quê có cuộc gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với ngành chức năng của tỉnh về những vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản.
Với nhiều ngư dân có mặt ở hội trường phường Thắng Nhì, việc tiếp cận chính sách liên quan đến lĩnh vực thủy sản một cách dễ hiểu, dễ nắm bắt như buổi tập huấn này mang tới cho họ nhiều thông tin hữu ích.
Cán bộ Đoàn công tác liên ngành tuyên truyền cho ngư dân Bình Định các vấn đề liên quan đến vi phạm IUU tại Cảng cá Bến Đá, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: THU DỊU
Hành nghề câu mực ở vùng biển Vũng Tàu 15 năm nay, ông Nguyễn Văn Phúc - chủ tàu cá BĐ 30282 TS, ở thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, chưa một lần đưa tàu về địa phương. Tham gia buổi gặp gỡ, tiếp nhận nhiều thông tin liên quan tới IUU, ông Phúc nhìn nhận rõ hơn tính chất quan trọng của vấn đề. Ông Phúc nói: Lâu nay chúng tôi có nghe nhiều nhưng chưa thật sự rõ, cũng chưa hình dung được tính chất nghiêm trọng của việc vi phạm IUU. 1 tàu cá vi phạm thì ảnh hưởng đầu tiên chính là chủ tàu, gia đình; tiếp đến là ảnh hưởng dây chuyền tới cả một ngành nghề và cả nước. Được trao đổi trực tiếp như thế này giúp ngư dân chúng tôi hiểu hơn để thực hiện tốt hơn.
Giống ông Phúc, nhiều ngư dân sau khi được chia sẻ thông tin, trò chuyện, trao đổi với ngành chức năng trong không khí cởi mở đã hiểu thêm về các quy định trong thực thi Luật Thủy sản 2017 và cam kết chống vi phạm IUU.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, cho hay: Hiện có khoảng 60 tàu cá của ngư dân Cát Tiến neo đậu và hoạt động tại vùng biển Vũng Tàu. Ngư dân Cát Tiến vào đây theo nghề câu mực và nhiều chủ tàu hơn 10 năm chưa đưa tàu về quê. Nhân dịp đoàn công tác liên ngành của tỉnh vào phía Nam tuyên truyền, chúng tôi cố gắng gặp gỡ bà con Cát Tiến để vừa trao đổi các thông tin cần thiết, vừa vận động ngư dân cam kết không vi phạm IUU. “Sau đợt này, chính quyền thị trấn tiếp tục rà soát lại toàn bộ tàu thuyền của ngư dân Cát Tiến để nắm đầy đủ thông tin về tình hình biến động tàu cá; rà soát phân loại nhóm tàu cá nhiều năm không về địa phương, báo cáo các cấp chính quyền xem xét hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp, ổn định cuộc sống, chấm dứt việc vi phạm IUU”, ông Thạch cho hay.
Lắng nghe, chia sẻ với ngư dân
Sau buổi gặp gỡ với ngư dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 10.8, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Bình Định về cù lao Tân Long, phường Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để thăm bà con ngư dân Bình Định. Lúc đoàn công tác đến, ở vùng cù lao này có 23 tàu cá của ngư dân Bình Định cập bến sau chuyến khai thác dài. Nhiều ngư dân cho hay, chuyến biển vừa qua là một trong những chuyến có thu nhập tốt, bù đắp chi phí cho những chuyến trước.
Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu tại cù lao Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THU DỊU
Tàu vừa cập bến 2 ngày, anh Đỗ Văn Trinh, thuyền trưởng tàu BĐ 96927 TS và vợ là chị Lê Thị Phúc, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, lại sửa soạn, sắp xếp cho chuyến hành trình tiếp theo. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đỗ Văn Trinh cho hay: Tôi biết vấn đề vi phạm IUU từ năm 2018. Cứ mỗi đợt về quê, tôi được cán bộ ở địa phương đến nhà thăm hỏi tình hình, tuyên truyền trong các cuộc họp… Rõ ràng, vi phạm IUU đưa đến nhiều hậu quả khó lường, do vậy nên anh em ngư dân chúng tôi ra khơi luôn tuân thủ quy định; trường hợp có thay đổi đều có thông tin từ thiết bị giám sát hành trình cảnh báo, do vậy không có lý do gì để bao biện cho việc vi phạm vùng biển nước ngoài cả. Khó khăn với ngư dân lúc nào cũng có, nhưng mình gắn bó với biển, biển đã là nhà thì mình phải ra khơi, phải giữ gìn biển đảo của Tổ quốc mình. Cứ ở trong vùng biển của mình đánh bắt.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Nam, thuyền trưởng tàu BĐ 95669 TS, bày tỏ: “Năm nay giá nhiên liệu tăng cao, ngư dân gặp khó không ít; thêm vào đó, nguồn lợi thủy sản giảm hơn trước, chuyến biển có được có mất. Nhưng không nên vin vào đó để làm trái quy định, nhất là hiện nay thông tin đều được hỗ trợ, cập nhật liên tục. Những người còn vi phạm phần nhiều do khó khăn trong quá trình hoạt động. Hôm nay, cán bộ của tỉnh vào tận trong này, trực tiếp đến tận từng thuyền thăm hỏi, động viên ngư dân, chúng tôi rất xúc động và càng hiểu rõ trách nhiệm, ý thức của mình trong việc chấp hành các quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc (bìa trái) trò chuyện với ngư dân Bình Định tại cù lao Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THU DỊU
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Đi để gặp bà con ngư dân của mình, để nghe họ nói, để hiểu thêm khó khăn, từ đó mới giúp bà con tốt hơn. Hai ngày vừa qua, gặp được nhiều ngư dân, chúng tôi thấy rằng bà con ngư dân chúng ta ngày càng hiểu và chấp hành tốt hơn các quy định. Chuyến đi này giúp cán bộ ngành Nông nghiệp hiểu đúng cái bà con ngư dân cần, từ đó có chính sách hỗ trợ tốt hơn”.
“Chuyến công tác này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện, hướng dẫn ngư dân các vấn đề liên quan tới việc cấp hộ chiếu, thủ tục trong bảo lãnh công dân Việt Nam trong trường hợp tàu cá vi phạm”.
Bà Võ Thị Như Hiền, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định
“Bà con ngư dân Bình Định hay Bà Rịa - Vũng Tàu đều là ngư dân nước mình cả, do vậy không chỉ Bình Định tuyên truyền mà chính quyền ở đây cũng thường xuyên tuyên truyền các vấn đề liên quan để ngư dân hiểu và nắm bắt trong quá trình hoạt động. Quan điểm của chúng tôi là tạo thuận lợi tối đa cho ngư dân Bình Định và các tỉnh khác đến hoạt động ở đây”.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
THU DỊU