Đặc biệt cảnh giác với nguy cơ xảy ra mưa lớn, sạt lở đất sau bão
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến tình hình mưa, lũ, sạt lở đất sau bão số 2.
Sáng 11.8, tại Hà Nội Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới sau bão số 2. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến chủ trì cuộc họp.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, trong sáng và trưa 11.8 bão số 2 sẽ gây mưa có nơi lên trên 150mm. Khu vực Đông Bắc và thủ đô Hà Nội tiếp tục mưa to đến 13 giờ chiều nay sau đó thì giảm dần.
Ông Lâm lưu ý, mối nguy hiểm nhất hiện nay là gió hoàn lưu sau bão, gió Đông Nam vẫn còn mạnh ở cấp 6-7, khu vực neo đậu tàu thuyền cần hết sức chú ý. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng trong sáng 11.8 ở khu vực đồng bằng. Vùng núi các tỉnh Tây Bắc và Bắc Trung bộ đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
"Trong ngày và đêm 11.8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm. Khu vực Nghệ An có lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm. Ngày và đêm 12.8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội từ ngày 11- 12.8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 150mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ...", ông Lâm nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, sau cuộc họp giao ban sáng 10.8, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển ra khỏi vực nguy hiểm, vào nơi tránh trú an toàn. Theo thống kê báo cáo của các đơn vị báo cáo, trước 20 giờ ngày 10.8, tất cả các phương tiện hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Nam Định đã vào bờ neo đậu an toàn.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng thông tin, lực lượng biên phòng còn phối hợp với chính quyền địa phương để sắp xếp cho trên 7.000 phương tiện, với hơn 14.000 lao động neo đậu an toàn tại các bến từ Quảng Ninh đến Nam Định. Tính đến 6 giờ sáng 11/8, khu vực được dự báo ảnh hưởng của bão số 2 chưa ghi nhận thiệt hại, chưa xảy ra các sự cố đối với tàu thuyền trên biển...
Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ sau bão
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến đề nghị các địa phương thuộc khu vực biển, đảo thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động KT-XH phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến kết luận cuộc họp.
Vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn; kiểm tra hệ thống thoát nước, tổ chức tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp, triển khai phương án di dân khu vực không đảm bảo an toàn do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở, tiến hành vệ sinh môi trường...
Các tỉnh miền núi phía Bắc sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn, chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối, kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và canh gác, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông an toàn tại các trọng điểm xung yếu.
Các địa phương triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt, đồng thời triển khai phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông.
Các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống, chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo độ tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ sau bão. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.
Các cơ quan báo chí, truyền thông ở trung ương và địa phương tăng cường thời lượng, kịp thời đưa tin về diễn biến mưa lũ sau bão và công tác chỉ đạo ứng phó.
Theo Văn Ngân (VOV.VN)