Độc đáo trống đồng Đông Sơn phát hiện tại Bình Định
Trống đồng Đông Sơn được xem là một sản phẩm đặc trưng, đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ ở khu vực các tỉnh phía Bắc xa xưa, đây cũng chính là thời kỳ nhà nước Văn Lang - Âu Lạc hưng thịnh. Đồng đại với nó là nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển trên dải đất miền Trung, trong đó bao gồm cả vùng đất Bình Định ngày nay.
Có một lượng tương đối lớn trống đồng Đông Sơn xuất hiện trên dải đất miền Trung nói chung và đến nay nhiều nhất là tìm thấy tại Bình Định.
Giao lưu giữa hai nền văn hóa
Có nhiều giả thuyết về việc từ xa xưa đã có hiện tượng giao lưu giữa hai nền văn hóa, và có lẽ thuyết phục nhất chính là do sự trao đổi, buôn bán giữa các bộ tộc, các nhà nước sơ khai thời đó. Hay nói cách khác là trong quá khứ, chủ nhân của hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn đã giao lưu với nhau khá đậm nét. Phải là đậm nét thì mới có sự xuất hiện của sản phẩm văn hóa đặc trưng của Đông Sơn trên lãnh thổ Sa Huỳnh.
Những mẩu xương, răng người và hạt cườm chôn cùng một chiếc trống đồng phát hiện tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh.
Bình Định là tỉnh phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn nhất ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, với số lượng chính thức lên tới 17 chiếc, hiện tất cả đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Trong số 17 trống đồng ấy, có 9 chiếc phát hiện tại Vĩnh Thạnh; địa bàn huyện Tây Sơn vùng giáp ranh với Vĩnh Thạnh phát hiện được 3 trống; huyện Phù Cát vùng núi Cát Sơn, Cát Tài phát hiện được 2 chiếc; địa bàn huyện An Lão phát hiện được 2 chiếc; 1 chiếc còn lại được thu giữ tại địa bàn An Nhơn.
Các trống đồng phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định hầu hết đều trong tình trạng không còn nguyên vẹn, nhiều chiếc chỉ còn phần mặt trống; phần tang, thân và chân trống đều bị vỡ dạng mảnh nhỏ. Nhưng vẫn có một số trống còn nguyên dáng, chỉ bị mất một số mảnh nhỏ, khi đem phục chế xong thì khá hoàn hảo.
Hầu hết những chiếc trống đồng phát hiện tại Bình Định có niên đại khoảng thế kỷ III - I trước Công nguyên, tương đương niên đại của nền văn hóa Đông Sơn. Dựa trên những nét đặc trưng về loại hình, hoa văn trang trí, các trống này đều được xếp vào nhóm trống đồng Heger II.
Nét độc đáo của trống đồng Đông Sơn phát hiện tại Bình Định
Trong kỹ thuật đúc và trang trí hoa văn trên trống đồng thì mặt trống chính là phần trang trí hoa văn cầu kỳ và đẹp nhất. Những trống đồng phát hiện ở Bình Định hầu hết vẫn còn phần mặt trống. Điểm đặc biệt là hầu như không mặt trống nào trang trí giống mặt trống nào, nhưng điểm chung là chính giữa mặt trống luôn có một ngôi sao nhiều cánh - 8 cánh, 10 cánh và 12 cánh. Loại ngôi sao 8 cánh và 10 cánh thường xuất hiện trên những mặt trống có kích thước nhỏ; loại ngôi sao 12 cánh xuất hiện trên mặt trống có kích thước lớn.
Mặt trống đồng phát hiện tại gò Cây Thị, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh.
Một mô típ hoa văn khác phổ biến trên các trống đồng là họa tiết chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Tùy vào từng mặt trống mà số lượng chim lạc khác nhau, nhưng hoa văn khắc họa chim lạc thì khá tương đồng. Ngoài hai mô típ ngôi sao nhiều cánh và chim lạc, thì ở các trống đồng khác nhau lại xuất hiện thêm một số mô típ hoa văn khác như: Hoa văn hình người múa với trang sức lông chim cách điệu; hoa văn kiểu răng lược; hoa văn tam giác lồng; hoa văn hai đường tròn đồng tâm chấm giữa; hoa văn hình trâm cài; hoa văn những đường gấp khúc nối tiếp… Đặc biệt, một số trống đồng phát hiện tại Bình Định, trên mặt trống còn xuất hiện 4 tượng cóc nằm cách đều nhau ở sát phần rìa của mặt trống, đầu của bốn tượng cóc quay ngược chiều kim đồng hồ.
Nếu như phần mặt trống đồng thường trang trí các họa tiết hoa văn khá cầu kỳ thì ở phần tang, thân và chân trống thường trang trí hoa văn đơn giản hơn, chủ yếu là hoa văn kiểu răng lược, hoa văn những đường gấp khúc nối tiếp, hoa văn trâm cài.
Gò Cây Thị ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh nơi phát hiện ra chiếc trống đồng có dấu hiệu như một món đồ tùy táng.
Một điều đáng chú ý là phần lớn trống đồng phát hiện tại Bình Định đều được chôn kèm theo một số đồ gốm kiểu Sa Huỳnh nhưng phần lớn đã bị vỡ chỉ còn dạng mảnh. Những loại đồ gốm này còn khá thô sơ, độ nung không cao, xương gốm bở, có lẫn nhiều tạp chất, là dạng gốm khá đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh. Trong một số trống đồng còn chôn theo vòng trang sức gồm nhiều hạt cườm thủy tinh kết dải, cũng là một dạng đồ trang sức xuất hiện khá phổ biến trong nền văn hóa Sa Huỳnh. Đáng chú ý là trong một chiếc trống đồng phát hiện tại gò Cây Thị, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh còn phát hiện được những mẩu xương hộp sọ, xương cẳng tay và cẳng chân đã chuyển sang màu xanh ô-xít đồng. Điều này phải chăng trống đồng ngoài chức năng là một nhạc cụ, nó còn là một món đồ tùy táng của người chết có vị thế cao trong xã hội bấy giờ?
* * *
Việc phát hiện được một số lượng khá lớn trống đồng Đông Sơn tại Bình Định là minh chứng sống động về sự hiện diện của một sản phẩm văn hóa độc đáo thời kỳ các Vua Hùng dựng nước tại mảnh đất này. Bên cạnh đó, nó cũng chính là những vật phẩm quan trọng, minh chứng cho mối giao lưu giữa hai nền văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung.
NGUYỄN VIẾT TUẤN