Thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi, hiệu quả cao
Để khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết khô hạn gây ra, đưa giống mới vào sản xuất, thay dần các tập quán canh tác cũ, góp phần nâng cao năng suất trên cùng chân đất, TX Hoài Nhơn đưa cây mè - loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao - vào danh mục các loại cây trồng được ưu tiên.
Năm 2022, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TX Hoài Nhơn triển khai thực hiện mô hình “Thâm canh cây trồng trên đất chuyển đổi - Trồng thâm canh cây mè” với quy mô 2 ha/29 nông hộ tại khu phố Hội Phú, phường Hoài Hảo tham gia.
Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống và các vật tư thiết yếu. Mô hình sử dụng giống mè V6 có nguồn gốc Nhật Bản do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) khảo nghiệm, chọn lọc. Hiện nay, đây là giống mè cao sản, thích nghi chân đất cát, đất thịt nhẹ, thoát nước tốt; có khả năng chống chịu nắng nóng, khô hạn; có giá trị thương mại cao, được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế, giúp việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mô hình “Thâm canh cây trồng trên đất chuyển đổi - Trồng thâm canh cây mè” tại khu phố Hội Phú, xã Hoài Hảo được nhiều nông dân đánh giá cao. Ảnh: TN
Để mô hình đạt kết quả tốt nhất, ngay từ khi bắt đầu lựa chọn nông hộ tham gia, Trung tâm DVNN TX Hoài Nhơn đã chú trọng trong đánh giá, phân tích, kể cả vị trí thửa ruộng dự kiến tổ chức canh tác. Đồng thời trong thực hiện mô hình, cán bộ của Trung tâm cũng thường xuyên sâu sát, hướng dẫn bà con làm đất, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật.
Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên cây mè sinh trưởng, phát triển ổn định trong điều kiện khô hạn. Sau 75 ngày, cây mè cao trung bình 1,5 m, lá to xanh, quả dài, năng suất thực thu 10 tạ/ha. Với giá bán tại thời điểm thu hoạch là 50.000 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận hơn 14 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa 5 triệu đồng/ha.
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân tham gia mô hình, mè V6 là giống ngắn ngày, cứng cây, có khả năng chịu hạn cao. Tuy chi phí phân bón cao nhưng lại tiết kiệm nước tưới, nên tính về hiệu quả kinh tế thì trồng giống mè này có lợi hơn hẳn so với trồng lúa trên cùng chân đất. Hơn nữa, một điểm rất quan trọng được bà con đánh giá rất cao là việc luân canh cây mè trên đất lúa góp phần cải tạo, bổ sung dinh dưỡng cho đất; cắt cầu nối vòng đời sâu bệnh; tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác tại địa phương như phục vụ việc ép dầu, làm bánh tráng, làm kẹo… Với phẩm cấp cao, mè V6 được người tiêu dùng và cả các cơ sở sản xuất ưa chuộng.
Theo bà Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, để mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Chọn vùng đất chân cao, tương đối bằng phẳng, cát pha thịt nhẹ, ít chua phèn, chủ động tưới tiêu. Về giống, nên chọn các giống mè ngắn ngày, chống chịu đổ ngã, kháng sâu bệnh tốt; mật độ trồng hợp lý. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xử lý kịp thời khi phát hiện các loại sâu bệnh hại như sâu xám, kiến, sâu ăn lá, rầy xanh… Nên kết hợp phân hữu cơ và phân vô cơ.
Kết quả thực tiễn cho thấy, mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức và chuyển giao cho nông dân kỹ thuật sản xuất cây mè thâm canh trên đất chuyển đổi, từng bước giúp bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Nếu biết cách kết hợp trong chuỗi liên kết từ canh tác, sản xuất đến chế biến tiêu thụ, thì đầu tư canh tác cây mè theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ sẽ còn mang lại hiệu quả kinh tế ấn tượng hơn. Hoài Nhơn là địa phương có nhiều nghề thủ công, trong đó có nghề làm các loại bánh truyền thống nổi tiếng có dùng mè làm nguyên liệu, đây là điều kiện thuận lợi rất lớn không nên bỏ qua.
THÀNH NGUYÊN