Ước mơ ngày trở về
Trót lầm đường lạc lối, một số phụ nữ rơi vào cảnh tù tội. Họ hối hận, khao khát sum họp gia đình. Chương trình giao lưu “Ước mơ ngày trở về” do Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng Trại giam Kim Sơn (đóng tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) tổ chức ngày 8.8, tạo cơ hội để các nữ phạm nhân chia sẻ nỗi lòng.
Phải thi hành mức án 30 năm 6 tháng tù giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, phạm nhân Trần Thị Ngọc Hà (SN 1973, ở TP Quy Nhơn) luôn dằn vặt về những chuyện đã qua. “Trong thời gian ở trại, tôi được cán bộ quản giáo quan tâm và tạo điều kiện tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, học nghề. Thế nhưng, không ngày nào tôi thanh thản bởi những chuyện đã làm. Hơn nữa, vì thời hạn thi hành bản án quá dài, trong khi tuổi tác ngày càng lớn nên tôi lo lắng sức khỏe mình không đủ tốt để được về với gia đình”, chị Hà chia sẻ.
Tương tự, nữ phạm nhân Hồ Thị Thu Hương (SN 1981) vì muốn làm giàu nhanh chóng nên đã vi phạm pháp luật, phạm tội tham ô tài sản, đã chấp hành bản án được 9 năm 7 tháng. Trước khi vào trại, chị Hương có gia đình hạnh phúc và công việc ổn định. Mất tất cả vì sai lầm của bản thân, nữ phạm nhân hối hận và chỉ ước, nếu có thể ngược dòng thời gian, chắc chắn chị sẽ kiếm tiền bằng chính sức lực mình.
Hai nữ phạm nhân Trần Thị Ngọc Hà và Hồ Thị Thu Hương chia sẻ trong chương trình giao lưu “Ước mơ ngày trở về” ngày 8.8. Ảnh: D. LINH
Chị Hương nghẹn ngào: “Những lời xin lỗi và cảm ơn luôn thường trực trong tâm trí tôi gần 10 năm qua. Xin lỗi những người đã vì tôi mà bị tổn thương. Xin lỗi gia đình đã không thể hạnh phúc trọn vẹn. Cảm ơn người thân, cán bộ trại giam Kim Sơn trong suốt thời gian qua đã động viên, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi sớm thực hiện được mơ ước trở về với vòng tay người thân”.
Lối về vẫn còn cho những người trót lầm đường lạc lối nhưng biết ăn năn hối cải. Chỉ cần nỗ lực sống và làm việc, cơ hội làm lại vẫn sẽ đến. Từng vào trại vì tội buôn lậu thuốc lá, sau 5 năm thi hành bản án, chị Nguyễn Thị Hoàng Lan (SN 1983, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) đã tái hòa nhập cộng đồng thành công. Mang theo tâm lý tự ti, chị Lan khép kín, ít trò chuyện, cũng không biết nên bắt đầu làm lại cuộc đời từ đâu. Nhờ sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ, chị có được nguồn vốn và bắt đầu kinh doanh nhỏ tại nhà. Sau 2 năm, chị dần lấy lại được cân bằng và hòa nhập với cuộc sống mới.
“Quay về với vòng tay của người thân yêu là điều mà tôi hằng mong ước trong khoảng thời gian chịu sự trừng phạt của pháp luật. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng vượt qua nỗi tự ti để từng bước xây dựng lại cuộc sống, bù đắp cho người thân”, chị Lan tâm sự.
Cũng lấy gia đình làm động lực, chị Tôn Thị Lệ My (SN 1994, ở phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) đã nỗ lực cải tạo tốt nên được mãn hạn tù trước 8 tháng. Nhờ đó, chị có thêm thời gian chăm lo cho 2 con nhỏ.
Với chị, 3 năm trong trại giam là khoảng thời gian để nhận ra giá trị cuộc sống, biết quý trọng người thân, gia đình và học được nhiều bài học quý giá. Chị nói: “Làm lại cuộc đời, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Vừa phải đối mặt với sự mặc cảm từ bản thân, tôi vừa “gánh” những ánh nhìn, sự phán xét của người khác. Thế nhưng, khao khát mang lại mái ấm gia đình cho con, được thực hiện thiên chức của người mẹ luôn là động lực, giúp tôi làm việc, mở lòng. Cuộc sống nhờ đó mà dần tươi đẹp, hạnh phúc hơn”.
Thế nhưng, để những phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng thành công, cần có sự động viên, hỗ trợ từ phía các cấp, ngành, hội, đoàn thể, địa phương. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Thông qua các hoạt động như thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, Hội LHPN tỉnh thiết thực thể hiện sự quan tâm đến phụ nữ hoàn lương … Nhờ đó, chị em nỗ lực từng bước làm chủ kinh tế, tự nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội”.
DƯƠNG LINH