Tôi muốn lan tỏa tình yêu biển đến cộng đồng
Nhiều năm qua, chị Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, dành nhiều thời gian, công sức cho các dự án khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn động vật biển quý hiếm. Nhiều dự án có sự tham gia dẫn dắt của chị đạt được kết quả tích cực.
Với tinh thần “lan tỏa tình yên biển đến cộng đồng”, chị Nguyễn Hải Bình đã trò chuyện với Báo Bình Định.
Lan tỏa tình yêu biển đến cộng đồng
Ấn tượng của tôi và nhiều người khi tiếp xúc với chị đó là tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết với các hoạt động liên quan đến bảo vệ và giữ gìn môi trường - hệ sinh thái biển. Trong vai trò là cố vấn, chị Nguyễn Hải Bình có nhiều đóng góp tích cực cho sự thành công của các dự án liên quan tới bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) ở Bình Định.
* Hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực thủy sản, chị đánh giá như thế nào về công tác bảo vệ NLTS trên địa bàn tỉnh, thưa chị?
Chị Nguyễn Hải Bình sinh năm 1963 tại TP Hải Phòng, nguyên quán xã Phước Hiệp, Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chị theo học chuyên ngành Sinh học tại ĐH Quy Nhơn. Năm 1991, chị về công tác tại Sở Thủy sản Bình Định; là thành viên của Hiệp hội Thủy sản Bình Định. Năm 2017, chị nghỉ hưu và tiếp tục tham gia hoạt động của Hiệp hội Thủy sản; hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định (nhiệm kỳ 2018 - 2022).
- Công tác bảo vệ NLTS được ngành thủy sản Bình Định triển khai từ năm 1990, ngay sau khi Pháp lệnh bảo vệ và phát triển NLTS được Hội đồng Nhà nước ban hành năm 1989. Trọng tâm là phòng chống sử dụng các nghề khai thác có tính hủy diệt NLTS (xung điện, xiếc máy, hóa chất độc hại) đi đôi với việc phục hồi, tái tạo NLTS. Khảo sát, đánh giá và đưa vào ưu tiên triển khai các hoạt động bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái, các khu vực có tầm quan trọng trong phát triển NLTS (bãi đẻ, bãi giống, rừng ngập mặn ven đầm ven biển, rạn san hô ven biển…) với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Cụ thể là: Đầm Trà Ổ ở huyện Phù Mỹ, đầm Đề Gi ở huyện Phù Cát và Phù Mỹ, đầm Thị Nại ở huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn, rạn san hô ven biển vịnh Quy Nhơn.
Nhờ đó đến nay, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân đã nhận thức rõ hơn trước rất nhiều về vai trò của các hệ sinh thái thủy sinh đặc biệt quan trọng đó và tích cực tham gia bảo vệ.
Từ các hoạt động triển khai bảo vệ NLTS, các dự án hỗ trợ, đến nay tỉnh ta đã có 18 tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ NLTS ở xã, phường, huy động cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ và phục hồi NLTS vùng nước ven bờ. Trong đó mô hình Tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) do Hiệp hội Thủy sản Bình Định triển khai từ năm 2015 đến nay (với sự hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu/Chương trình dự án nhỏ - Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam - GEF/SGP-UNDP Việt Nam) đạt hiệu quả cao khi gắn kết công tác bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái với đảm bảo sinh kế người dân.
Chị Nguyễn Hải Bình rất tích cực tham gia vào các dự án hỗ trợ TCCĐ địa phương bảo vệ NLTS, đặc biệt là bảo vệ loài rùa biển. Ảnh: NVCC
* Với vai trò là cố vấn cho các dự án hỗ trợ, tái tạo khôi phục NLTS, tăng cường năng lực cho các TCCĐ địa phương, chị tâm đắc nhất điều gì?
- Điều tôi tâm đắc nhất là nhận thức các thành viên của TCCĐ, cư dân ven biển thay đổi rất nhiều so với trước. Với tôi, điều vui nhất, tự hào nhất không phải là tôi đã làm được gì mà là TCCĐ ở địa phương đã làm được gì. Những niềm vui vỡ òa với tôi là khi TCCĐ bảo vệ san hô ở Nhơn Hải khoanh vùng bãi đẻ trứng bảo vệ rùa biển; đỡ đẻ thành công cho rùa mỗi mùa sinh sản.
Tôi nói “niềm vui vỡ òa” là rất chân thành đấy, bởi trước đây chừng 10 năm, ngay ở vùng biển đó bà con ngư dân vẫn còn lấy trứng rùa, vẫn bắt rùa làm thực phẩm. Vậy mà nay, chính họ tự bảo vệ vùng biển, khu bãi cát nơi rùa biển làm ổ mỗi mùa sinh sản, bảo vệ rạn san hô. Hay như ở Nhơn Lý, TCCĐ không chỉ được giao quyền đồng quản lý khu vực rạn san hô vùng biển Bãi Dứa mà họ còn tích cực truyền thông cho du khách tham gia các trải nghiệm du lịch xanh để bảo vệ biển.
Mỗi ngày nhận được những thông tin về một vùng biển đang hồi phục, một rạn san hô đang được bảo vệ, một chú rùa biển mắc lưới được hỗ trợ về với tự nhiên… với tôi là thêm một ngày mới để cảm ơn cuộc đời, thêm một ngày để lan tỏa tình yêu biển đến cộng đồng.
Nhờ những hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, đến nay các TCCĐ ở vùng biển Quy Nhơn được giao đồng quản lý các diện tích khu vực biển có rạn san hô, tham gia bảo vệ động vật biển quý hiếm. - Trong ảnh: Thành viên TCCĐ ở Nhơn Hải bắt cầu gai bảo vệ san hô. Ảnh: X.SÁNG
Trao truyền cho thế hệ mai sau tài nguyên biển ngày một giàu có hơn
“Mỗi ngày nhận được những thông tin về một vùng biển đang hồi phục, một rạn san hô đang được bảo vệ, một chú rùa biển mắc lưới được hỗ trợ về với tự nhiên… với tôi là thêm một ngày mới để cảm ơn cuộc đời, thêm một ngày để lan tỏa tình yêu biển đến cộng đồng”.
Với nhiệt tình, tâm huyết của mình, chị Nguyễn Hải Bình đã thuyết phục được nhiều cư dân tham gia tích cực vào các TCCĐ bảo vệ NLTS. Các mô hình này được Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá rất cao, khi làm việc và khảo sát thực địa tại Bình Định vào cuối tháng 7 vừa qua. Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận rằng, những gì tỉnh Bình Định đã làm được là điểm sáng, nên nhân rộng trong cả nước. Ông rất tâm đắc với cách thức hoạt động của các TCCĐ. Theo ông tỉnh Bình Định đã giải quyết hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của ngư dân, về lâu dài đây là giải pháp giúp cộng đồng cư dân ven biển ổn định sinh kế, phát triển bền vững, đặc biệt là sẽ trao truyền tài nguyên ngày một giàu có hơn cho thế hệ mai sau.
* Điều gì thôi thúc chị gắn bó với công tác bảo vệ NLTS, dù đã ở tuổi được phép nghỉ ngơi?
- (Mỉm cười) Đóng góp của tôi không có gì to tát đâu, tôi vui vì được làm việc này, được cống hiến, được lan tỏa tình yêu biển với mọi người! Tôi được rất nhiều đấy.
* Ở góc độ là một chuyên gia, chị có gợi mở nào, đề xuất gì trong công tác khôi phục, bảo vệ NLTS không?
- Chúng ta đã có bài học đau đớn trong việc phá rừng ngập mặn để phát triển các hồ tôm rồi đấy, phá đi thì rất dễ nhưng để phục hồi thì rất lâu và hoàn toàn không đơn giản.
Trong những năm gần đây, nhiều thủy vực có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển NLTS như đầm Thị Nại, đầm Đề Gi… đã bị san lấp vùng ven bờ (trong đó có các dải rừng ngập mặn, bãi giống, bãi đẻ của thủy sản) để tạo quỹ đất cho các dự án. Các hoạt động xây dựng khu du lịch, khách sạn, cầu tàu... gây áp lực lớn đến hệ sinh thái biển và đặc biệt là làm mất các bãi đẻ của thủy sản.
Tôi mong rằng chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn cần cân nhắc thật kỹ, có đánh giá tác động và quy hoạch cụ thể các khu vực cần bảo tồn, bảo vệ, đồng thời phải dành một khoản ngân sách đủ cho công tác bảo vệ, phục hồi, phát triển NLTS, tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân.
* Xin cảm ơn chị!
THU DỊU (Thực hiện)