Liên kết phát triển du lịch: Cần đồng bộ chính sách và giải pháp
Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra tại Quảng Ngãi cách đây ít ngày, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm mở ra cơ hội thu hút du khách.
Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, để biến các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành điểm đến thu hút du lịch hàng đầu Việt Nam, các tỉnh, thành cần khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng; phát triển thị trường và quảng bá du lịch; chú trọng thu hút đầu tư, hợp tác; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh.
So với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chất lượng nguồn nhân lực của các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn có khoảng cách khá xa. Ngoài ra, nguồn nhân lực du lịch chung lâu nay vốn đã thiếu và yếu, nay lại chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên ngoài sự sụt giảm mạnh về số lượng còn có sự “hao mòn” lớn về chất lượng kỹ năng nghề nghiệp, tác phong phục vụ bởi không có điều kiện tiếp cận thường xuyên với khách.
Dù có nhiều đặc điểm tự nhiên giống nhau, nhưng các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần tìm ra những sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách. - Trong ảnh: Khách du lịch tắm biển và sử dụng dịch vụ tại biển Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn). Ảnh: LÊ NA
Chia sẻ về vấn đề nhân lực, bà Hoàng Thị Thu Sen, Giám đốc Vietravel chi nhánh Quy Nhơn, cho rằng: Đội ngũ hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ ở các địa phương vẫn còn thiếu. Do đó, các tỉnh, thành liên kết cần có chiến lược quy hoạch chung nguồn nhân lực dài hạn, như hợp tác với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, các trường đại học trong và ngoài tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn mới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng, nhiều đại biểu đồng quan điểm rằng, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng chưa được đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH của vùng. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích mở thêm nhiều tuyến bay trong và ngoài nước đến các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định. Cần rà soát, đánh giá lại hệ thống cung ứng dịch vụ cho du lịch sau dịch để thích ứng với tình hình mới.
Về sản phẩm du lịch, Bình Định và các tỉnh, thành đã có quy hoạch, tuy nhiên một số khu vực do điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa của các địa phương gần như tương đồng nên về sản phẩm đặc trưng địa phương vẫn chưa được rõ nét. Bà Hoàng Thị Thu Sen gợi mở, cần tập trung làm rõ thế mạnh sản phẩm đặc thù của Bình Định nói riêng và trong liên kết khu vực nói chung để từ đó liên kết thành chuỗi sản phẩm dịch vụ hấp dẫn hơn, như vậy mới thu hút được du khách trong và ngoài nước.
Để công tác triển khai liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được hiệu quả, các đại biểu đề xuất thành lập các tổ công tác liên ngành giữa các ban, ngành hữu quan và các DN nhằm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển trở lại. Cùng với đó, phải có sự đồng bộ khi triển khai ban hành chính sách, quy định giữa các ngành, địa phương trong việc phục hồi và phát triển du lịch. Điển hình như đồng bộ quy định về chính sách khuyến khích kích cầu du lịch, liên kết sản phẩm dịch vụ các địa phương với nhau, từ đó các DN lữ hành nắm thông tin và làm cơ sở để chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh phục vụ khách hàng.
LÊ NA