Khúc tháng Tám
Quay đi ngoảnh lại đã bước vào tháng Tám. Mới ngày nào vừa đón Tết. Chớp mắt sang Hè. Giờ đã lại Thu. Thời gian với lớp người đã qua cái dốc bên kia cuộc đời như tôi quả tình rất “ngựa chạy tên bay”. Năm nay, thời tiết có hơi kỳ quặc, mưa nhiều. Nắng rồi mưa, mưa rồi nắng cứ kế tiếp nhau. Mưa nhiều giúp cây cối tốt tươi, không gian mát mẻ, nhà cửa, đường sá thường xuyên được gột rửa nhìn cứ sạch bong. Có điều, cũng vài chuyện hơi buồn khi những ruộng dưa hai bên đường, chạy kề ven sông vừa đậu trái đã dính mưa dài, thối hư tơi tả. “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, câu thành ngữ ấy nông dân ai cũng biết; vậy nên mới canh tiết cuối xuân đầu hè lên liếp trồng dưa. Cái tiết bình thường mọi năm không bao giờ có mưa nhưng năm trời không thương người trồng dưa…
Ngay tôi, sáng sáng đạp xe thể dục lòng vòng những con đường nội thành, ngước lên tàn phượng vĩ hai bên đường dẫu đã chớm Thu vẫn một màu lá xanh um cũng thấy cái gì hơi… thiêu thiếu. Mọi năm, đáng lý giờ này phượng đã đơm hoa đỏ rực. Tiết Hè hạn khô ức chế chuyện đâm chồi, mướt lá để cây dồn sức đơm hoa. Đến hẹn vẫn mưa nhiều khiến sinh lý của cây thay đổi. Bản năng cây thiếp ngủ, quên mất chuyện cần phải sinh sôi để bảo tồn, gieo rắc giống nòi đi khắp muôn phương. Và nữa, chuyện quan trọng hơn: Làm đẹp cho đời…
Thật tình, khi ở cái dốc bên kia cuộc đời, người ta mới thấy sợ thời gian. Trôi nhanh. Gặm nhấm, bào mòn quỹ thời gian sống từng giờ, phút, giây bằng những tích tắc thản nhiên của chiếc đồng hồ vô cảm. Tôi cũng không ngoại lệ. Mùa đi sao nhanh quá. Mới Xuân, sang Hạ, giờ đã chớm Thu. Thu về, báo hiệu âm thầm trong những buổi sáng không còn nồng oi mà đã lạnh se, phải kéo chiếc chăn đơn ngang ngực. Phải. Tháng Tám rồi đó. Vậy mà tôi quên. Thời gian qua kẽ tay/ làm vàng những chiếc lá…. Thốt nhiên nhớ mấy câu thơ làm lúc cuối đời, trên giường bệnh của Văn Cao - người nhạc sĩ tài hoa. Phải. Kiếp người. Vốc nước thời gian nhốt kín lòng bàn tay, níu giữ cách nào vẫn cứ thản nhiên tràn qua kẽ! Giọt giọt thời gian vô hình vô tướng, vậy nhưng chầm chậm rỏ xuống nơi đâu nơi đó lá dần sẽ ngả vàng!
Ngày biết hai câu thơ ấy, tôi dường như mới chớm cái ngưỡng bốn mươi. Không trẻ; nhưng cũng… chưa mấy già nên chưa thấm! Giờ thì thấm lắm; thấm đến mức đoan chắc rằng Văn Cao không chỉ hiện diện giữa cõi trần này như một nhạc sĩ thôi đâu mà còn là nhà thơ, nhà tư tưởng! Và nữa; nhạc, thơ ông - để ý mà coi - bất cứ sáng tạo nào của ông dù có nhắc hay không nhắc tới mùa Thu đều chứa chất cái hồn Thu. Man mác. Mênh mông. Thêm chút gì bảng lảng “liêu trai” thoát tục, chập chờn như sương khói mùa Thu. Từ Buồn tàn thu, Thiên Thai, Suối mơ đến Trương Chi… đều mang âm hưởng vậy.
Tháng Tám. Lại chớm Thu về. Lang thang cùng thực hư bềnh bồng nỗi nhớ. Sáng sớm chầm chậm đạp xe qua nhịp cầu cong bắc ngang con sông quê nhỏ; giăng giăng sương bềnh bồng, bịn rịn chung chiêng như không muốn rời xa mặt sóng. Tôi đi ngang Mùa. Mùa đi ngang Tôi…
Y NGUYÊN