Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT năm 2022
UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT 6 tháng cuối năm 2022. Qua đó, ngành BHXH, các địa phương đã có nhiều ý kiến, đề xuất giải quyết những vấn đề còn khó khăn.
Nhiệm vụ còn lại của năm 2022 là rất lớn
Theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, trong nửa đầu năm 2022, Bình Định đã đạt được những kết quả rất tích cực: Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 94%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (88,66%). Chỉ tiêu BHXH bắt buộc tăng 4,3% so với cuối năm 2021. Bình Định cũng là một trong những tỉnh thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24.9.2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
BHXH và Bưu điện tỉnh ra quân tuyên truyền tham gia BHXH, BHYT. Ảnh: N.M
Tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại của năm 2022 cũng rất lớn. Bình Định đang gặp thách thức về chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện. So với cuối năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện giảm sâu - giảm 3.434 người (15,8%). Để đạt kế hoạch, toàn tỉnh phải phát triển thêm 13.257 người tham gia BHXH tự nguyện.
Có tỷ lệ bao phủ BHYT lớn (94,13% dân số), Bình Định đang thuộc nhóm các địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cao của cả nước (năm 2022 là 96%). Để đạt chỉ tiêu, Bình Định cần phát triển 33.957 người tham gia BHYT đến cuối năm 2022.
Tại Hội nghị chuyên đề phát triển người tham gia BHXH, BHYT được UBND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã giao BHXH tỉnh chủ động phối hợp các sở, ngành kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp căn cơ. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện, xã… nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, quyết liệt hoàn thành mục tiêu của năm 2022, làm tiền đề phát triển BHXH, BHYT cho những năm tiếp theo.
Ông Võ Năm, Giám đốc BHXH tỉnh, phân tích thêm: “Còn số lượng lớn người thuộc hộ cận nghèo chưa tham gia BHYT (trên 10.000 người). Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa đạt 100%. Người dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021, Quyết định 131/QĐ- TTg ngày 25.1.2017, không còn thuộc diện được ngân sách Nhà nước đóng BHYT, thu nhập thiếu ổn định, không đủ khả năng tài chính để tiếp tục tham gia BHYT. Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp còn ở mức cao (6,37%) so với chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ quý II/2022 mà BHXH Việt Nam giao (5,43%)”.
Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu của ngành Thuế, Sở KH&ĐT về các đơn vị sử dụng lao động thành lập mới, DN chưa tham gia BHXH, BHYT, DN đã tham gia nhưng chưa đóng BHXH, BHYT đủ số lao động theo quy định… còn chưa kịp thời. Dữ liệu một số đơn vị được cấp phép đăng ký kinh doanh, kê khai thuế nhưng chưa đi vào hoạt động, một số đơn vị khi đến làm việc theo địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại hoặc sai địa chỉ… cũng ảnh hưởng đến việc gửi thông báo, đôn đốc các đơn vị tham gia BHXH, BHYT theo quy định.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các chế độ, quyền lợi đối với người lao động khi DN còn nợ BHXH, BHYT mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn do chưa có cơ chế xử lý đối với nợ của các DN này (như trường hợp Công ty CP Đường Bình Định)... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ
Nhiều năm nay, TX Hoài Nhơn triển khai chương trình hỗ trợ 15% chi phí còn lại mua thẻ BHYT cho 100% người cận nghèo trên địa bàn thị xã. “Đến cuối năm 2021, ngành Tài chính tỉnh yêu cầu thị xã dừng chương trình này lại vì chưa phù hợp với Luật Ngân sách. Năm 2022, một bộ phận người cận nghèo của thị xã vẫn chưa tham gia BHYT. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ thêm 15% mức đóng BHYT cho người cận nghèo vì đây là nhóm đối tượng rất dễ tái nghèo nếu chẳng may đau ốm, tai nạn; đồng thời góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh”, ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, đề xuất.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TX An Nhơn Lê Thanh Tùng cho rằng: Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, tỉnh hỗ trợ 15% mức đóng. Đối với 15% còn lại, tỉnh có thể xây dựng cơ chế cho phép các địa phương (có đủ điều kiện) thực hiện hỗ trợ. Như vậy, các địa phương có thể mạnh dạn triển khai mà không vi phạm Luật Ngân sách.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, ngoài chính sách của Trung ương, hiện nay, 52/63 tỉnh, thành phố đã có chính sách hỗ trợ BHYT cho người cận nghèo. 23/63 tỉnh, thành đã có chính sách hỗ trợ BHYT đối tượng nông - lâm - ngư có mức sống trung bình. 21/63 tỉnh, thành đã có chính sách hỗ trợ thêm đối với BHYT học sinh, sinh viên. 9/63 tỉnh hỗ trợ thêm BHXH tự nguyện. 8/63 tỉnh hỗ trợ người dân tham gia BHYT hộ gia đình.
“Tôi rất mong tỉnh Bình Định nghiên cứu nhóm chính sách hỗ trợ thêm BHYT hộ cận nghèo, cho người dân bị tác động từ Nghị định 861, hỗ trợ phát triển BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách phát triển BHXH tự nguyện đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, lâu dài. Tuy nhiên, chính sách về BHYT cho 2 nhóm đối tượng là người cận nghèo, người dân bị tác động từ Nghị định 861 (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số) có thể triển khai sớm, ngay từ năm 2022”, ông Đào Việt Ánh nói thêm.
NGUYỄN MUỘI