Lời của cha
Tản văn của NGUYỄN ĐÌNH THU
Hồi còn nhỏ, anh em tôi thường được mấy cô bác hàng xóm trêu “hôm nay bị tòa xử mấy trận rồi?”. Bị trêu như vậy là bởi gần như anh em tôi ngày nào cũng bị cha la ngầy. Ông bao giờ cũng mắng con với giọng cao rõ v à sang sảng, vẻ mặt thì nghiêm nghị. Chỉ cần nghe cha cao giọng là biết có chuyện. Ngày còn bé anh em tôi ai cũng hãi cái tông giọng này nhưng không bao giờ quên và điều bất ngờ là càng nhiều tuổi bỗng nhiên sự nhớ lại càng dày thêm, còn nhớ ra cả những chuyện mấy năm trước đã quên bẵng...
Buổi sáng đến với anh em tôi hồi đó thường rất sớm. Cũng vì, khi trời chưa sáng rõ, lúc anh em tôi còn ngái ngủ, cha đã đứng nơi đầu giường gọi dồn: “Dậy lo v ệ sinh, quét dọn đi để còn kịp ăn uống mà đi học, đi làm!”. Nghe tiếng cha gọi, mấy anh em dù đang mắt nhắm mắt mở cũng lo cuống cuồng xuống giường, ra giếng rửa mặt rồi ai vào việc nấy. Anh em tôi còn thuộc lòng lời cha cắt đặt việc nhà cho từng đứa mỗi khi cha chuẩn bị đi làm; lời cha lớn tiếng mỗi khi đi làm về thấy cửa nhà bề bộn, việc nhà chưa được mấy anh em thực hiện; nhất là những lời giảng giải, hỏi tội, phán xử trong những trận đòn của cha mỗi khi anh em tôi phạm lỗi…
Nhớ những lần cha lớn tiếng tức giận, không khí gia đình tôi như trì ngợp, chẳng ai dám hé nửa lời khiến cả sự im lặng càng thêm nặng nề. Lại có những câu nói của cha tháng ngày cứ lặp đi lặp lại, đơn điệu đến khó chịu. Có lúc, tôi đã thầm trách sao cha khó tính đến thế, từ lời ăn tiếng nói đến học hành, làm việc… nhất nhất đều phải thế này thế kia. Những việc người đã dặn dò kỹ lưỡng rủi quên một hai lần sẽ được giáo hóa nghiêm khắc, đến lần thứ ba thì đích thân cha sẽ cầm roi kể tội v à mỗi tội là một roi. Roi của cha tôi không nặng tay nhưng rít nhanh v à đứa nào cũng nhớ mãi đến giờ, nhớ mãi cái cảm giác vun vút trước khi nhát roi phóng lên lòng bàn tay! Cha tôi chưa bao giờ phạt roi con cái ở chỗ nào khác ngoài lòng bàn tay. Chỉ đến thế thôi nhưng hồi bé tôi thường giấu đi ánh mắt của mình mỗi khi đối diện với cha, thậm chí tôi từng băn khoăn “Không biết ông ấy có phải cha mình không? Cha mình thì sao lại ác thế?”.
Lớn lên theo khuôn nếp được cha uốn nắn từ nhỏ, anh em tôi nổi tiếng là ngoan, có kỷ luật, được nhiều người trong xã lấy đó làm gương cho con cái. Bà nội mất khi cha mới tròn 4 tuổi. Tuổi thơ cha là những tháng ngày đói cơm rách áo, ăn nhờ ở đậu. Lớn lên trong tình thương của ông nội và sự bao bọc của xóm giềng, cha sớm tham gia nhập ngũ và may mắn trở về sau kháng chiến chống Mỹ. Rồi cha mẹ đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, cảnh nhà nghèo khó, đông con, cha phải bươn chải cực nhọc để mong các con được nên người. Có lẽ vì thế mà cha mới quá đỗi nghiêm khắc với con cái.
Khi đã trưởng thành, đã có gia đình, phải tự lập nơi đất khách quê người, dần dần thấm thía hơn tình cha, thực sự trân quý những lời của cha năm xưa, mới nhận ra chính cha chứ không phải ai khác đã là người thầy đầu tiên của đời mình! Và trong ký ức của mình không biết tự bao giờ “ấn tượng về giọng cao rõ và sang sảng của cha bỗng chuyển thành ấm áp yêu thương”. Những lời cha dạy, dù có lặp lại đến đơn điệu nhưng đó đều là lẽ phải ở đời, phải biết sống sao cho xứng đáng. Những lời nói đó, dù có khó nghe nhưng lại là những kinh nghiệm thực tế quý báu để ta vững bước v ào đời, sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thử thách… Và hơn hết, đó đều là những lời gan ruột, xuất phát từ mong muốn tốt đẹp của cha dành cho các con.
Giờ cha tôi tuổi đã ngoài 70. Đã lâu, tôi không còn thấy cha nói những lời gắt như xưa nữa, thay vì thế là vẻ bình thản, vui tươi. Tôi định cư ở một nơi gần biển v à những lần nghe sóng biển ầm ì tôi lại như có cảm giác tiếng sóng như tiếng cha mình v ỗ về. Tôi thấy mình dường như lại giống cha năm nào, lại muốn nói nhiều hơn cho các con nghe, nhất là những khi con mắc lỗi…