Hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Nhiều ý kiến tâm huyết
Hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh vừa tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng và trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung
Không đồng tình với nhận định của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (McKinsey & Company Việt Nam) rằng “dành nhiều diện tích đất cho rừng phòng hộ và đất cho an ninh quốc phòng là điểm yếu của Bình Định”, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Bình Định Đào Quý Tiêu cho rằng, phát triển rừng và đảm bảo an ninh quốc phòng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Đây là điểm mạnh, chứ không thể là điểm yếu của Bình Định. Khẳng định giá trị địa kinh tế, địa chính trị Bình Định là bất biến, ông Tiêu đề nghị đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh điều này trong quy hoạch tỉnh Bình Định, từ đó định hướng, đề ra giải pháp giúp tỉnh đầu tư phát triển KT-XH cho tương lai - đặc biệt là các quy hoạch đô thị vệ tinh gắn với các giải pháp đầu tư phát triển cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Hội kiến trúc sư Bình Định Đào Quý Tiêu góp ý dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: TIẾN SỸ
Về những tiềm năng, lợi thế riêng có của Bình Định, ông Trương Văn Việt, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn đề nghị cập nhật, bổ sung vào quy hoạch thêm nhiều điểm du lịch, trong đó có các điểm dọc tuyến đường ven biển; đồng thời bổ sung việc nâng cấp sân bay Phù Cát vào quy hoạch. Cùng với đó, phải tư vấn các giải pháp phát triển du lịch đồng bộ, bền vững, tạo dựng thương hiệu du lịch Bình Định.
Liên quan đến việc phân vùng quy hoạch đầu tư phát triển 5 trụ cột và 3 giải pháp đột phá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, nhiều hiệp hội và DN đề nghị McKinsey & Company Việt Nam đánh giá, tính toán lại khả năng phát triển các vùng phía Đông, phía Tây và phía Bắc tỉnh; so sánh, đối chiếu với vùng động lực phía Nam của tỉnh, từ đó tư vấn cho tỉnh định hướng, giải pháp phát triển, đảm bảo cân bằng, hài hòa trong phát triển KT-XH giữa các vùng.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định đề nghị cần chú trọng quy hoạch đầu tư hạ tầng nghề cá; quy hoạch phát triển ngành nghề khai thác, chế biến thủy sản theo liên kết chuỗi. Ảnh: TIẾN SỸ
Nhiều ý kiến mổ xẻ và đề nghị quy hoạch lại các cảng cá, xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần logistic, cảng tổng hợp quốc tế phải cân nhắc, tính toán đến quy hoạch khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ… xung quanh và những tác động của các quy hoạch đến cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong một ý phân tích khá sâu, sát với thực tế và có tính gợi mở, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định đặt vấn đề: Công tác quy hoạch các cảng cá phục vụ phát triển ngành thủy sản vẫn chưa có gì mới. Trên địa bàn tỉnh có 3 cảng cá, nhưng hiện mới chỉ có Cảng cá Quy Nhơn đạt tiêu chuẩn loại 1. Cảng cá này lại quá chật hẹp, bị bồi lấp, nên số lượng tàu cá và sản lượng cá về cảng ít hơn rất nhiều so với Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Tam Quan. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc neo đậu, bán sản phẩm của ngư dân và thu mua sản phẩm để chế biến, xuất khẩu của DN. Hiện tỉnh ta cũng chưa có khu chế biến tập trung cho ngành thủy sản, các DN chế biến thủy sản nằm rải rác, xen kẽ trong khu dân cư, trong nội thành, muốn mở rộng diện tích, quy mô sản xuất là vấn đề hết sức nan giải. Vì vậy, trong quy hoạch tỉnh lần này, đơn vị tư vấn cần phân tích, đánh giá rõ hơn thực trạng, từ đó tư vấn các giải pháp quy hoạch phù hợp.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, McKinsey & Company Việt Nam cũng cần bổ sung, làm rõ một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, trong đó có lĩnh vực phát triển công nghệ sinh học cho ngành dược. Lĩnh vực này và chuỗi cung ứng thuốc ứng dụng công nghệ sinh học đang là xu hướng phát triển của thế giới, ngành dược của tỉnh có thể sản xuất và xuất khẩu sản phẩm trên toàn thế giới.
Liên quan đến nội dung, mục tiêu “đến năm 2030 huy động được 8 tỷ USD để đầu tư phát triển”, ông Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Bình Định, cho rằng huy động được số tiền nói trên trong vòng 8 năm là quá tốt, vấn đề là huy động từ nguồn nào? Nếu huy động từ các nguồn: Ngân sách; tổ chức tín dụng; DN trong và ngoài tỉnh; nguồn vốn FDI… phải làm rõ khả năng, giải pháp huy động để có cơ sở hoạch định các kế hoạch phía sau chứ không thể nói khơi khơi.
Nhà tư vấn cần tiếp thu kịp thời, đầy đủ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đối với quy hoạch tỉnh, đồng thời yêu cầu McKinsey & Company Việt Nam - đơn vị tư vấn - cần tiếp thu kịp thời, đầy đủ các góp ý, đề xuất kiến nghị của đại biểu. Quy hoạch tỉnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Quy hoạch; bám sát quyết định giao nhiệm vụ lập đề án quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, kế hoạch phát triển của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; đồng thời chú ý đến yếu tố liên kết vùng, tích hợp vào quy hoạch quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải chủ trì Hội thảo. Ảnh: TIẾN SỸ
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Tuấn Thanh cũng yêu cầu tổ công tác của tỉnh và đơn vị tư vấn cần khẳng định rõ vai trò, vị trí tỉnh Bình Định trong khu vực miền Trung và của cả nước. Trong phần đánh giá thuận lợi, điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh, cần xem lại những nhận định và điều chỉnh ngay những sai sót mà các đại biểu đã chỉ rõ; tư vấn các giải pháp xây dựng thương hiệu Bình Định, mục tiêu đạt được trong thời kỳ 2021 - 2030, đảm bảo quy hoạch có sự khác biệt, nổi trội của Bình Định trong phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung đưa vào quy hoạch tỉnh các tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch, các điểm du lịch, sản phẩm du lịch; việc nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế; quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bổ sung vào quy hoạch tỉnh định hướng phát triển ngành dược rõ ràng, cụ thể; các giải pháp quy hoạch phát triển ngành nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; đánh giá thêm tác động của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông ngang qua địa bàn tỉnh.
PHẠM TIẾN SỸ