Thủ tướng: Viettel phải trở thành hình mẫu của DNNN hoạt động hiệu quả
Viettel phải trở thành hình mẫu điển hình của doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, là tập đoàn công nghiệp công nghệ cao của đất nước, năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao trong nước và nước ngoài.
Sáng 16.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các Bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Tập đoàn Viettel
Viettel là doanh nghiệp số 1 của ngành viễn thông Việt Nam và là doanh nghiệp lớn thứ 4 của đất nước, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn luôn duy trì gần 150 nghìn tỷ/năm; lợi nhuận trước thuế luôn duy trì gần 40 nghìn tỷ đồng/năm.
Năm 2020 và 2021, Viettel trở thành doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Riêng 7 tháng 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước, kết quả kinh doanh của Tập đoàn đạt kết quả khá tích cực: Doanh thu hợp nhất đạt 92,9 nghìn tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021; Lợi nhuận trước thuế đạt 31,2 nghìn tỷ đồng đạt 73,6% kế hoạch năm.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích mà cán bộ, sỹ quan, chiến sĩ, người lao động của Viettel đã nỗ lực phấn đấu, đạt được trong thời gian qua. Viettel trở thành hình mẫu của một doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh sáng tạo, có hiệu quả trong quá trình đổi mới và mở cửa của đất nước ta. Đây là tiền đề rất quan trọng tạo khí thế, động lực, sức mạnh mới để Viettel tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo, đóng góp vào sự phát triển vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, đồng thời nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp nhà nước phải kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, từ đó phải tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững. Chúng ta cũng cần xây dựng một số doanh nghiệp chủ lực, nòng cốt tạo bước phát triển đột phá, trong đó có Tập đoàn Viettel.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tập đoàn Viettel thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Viettel cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tầm nhìn “sáng tạo vì con người” và sứ mệnh “tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”. Viettel phải trở thành hình mẫu điển hình của doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, là tập đoàn công nghiệp công nghệ cao của đất nước, năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao trong nước và nước ngoài, dẫn dắt, tiên phong trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo trong thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Phải tập trung xây dựng và phát triển là nòng cốt xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao mà trọng tâm là các loại vũ khí, khí tài công nghệ cao góp phần quan trọng trong xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Đại hội XIII của Đảng.
Tiếp tục xây dựng, phát triển nền công nghiệp sản xuất thiết bị dân sự, góp phần thực hiện thành công chiến lược “Make in Viet Nam” đó là phải làm chủ công nghệ, làm chủ thiết kế, chế tạo sản phẩm, chủ động sáng tạo các dịch vụ giải pháp, mô hình kinh doanh mới, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Toàn cảnh buổi làm việc với Tập đoàn Viettel
Tham gia thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.
Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn từ sớm, từ xa để Việt Nam có môi trường không gian số an toàn, lành mạnh.
Đẩy mạnh hơn nữa và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trở thành cầu nối hữu nghị về hợp tác kinh tế - văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc từ xa.
Tiếp tục đề cao trách nhiệm kinh doanh luôn thượng tôn pháp luật, hiệu quả, làm tốt hơn nữa trách nhiệm với xã hội, giữ vững và làm đẹp thêm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Tiếp tục xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đồng thời tiếp tục giữ vững nội bộ luôn đoàn kết; không tự mãn, chủ quan; đảm bảo đời sống tốt cho cán bộ công nhân viên.
Đối với các nội dung đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Viettel Thủ tướng cho rằng xác đáng, thiết thực. Thủ tướng đề nghị, những nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, thì Bộ Quốc phòng chỉ đạo nghiên cứu, hoàn chỉnh, tổng hợp báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, giao các Bộ trưởng, trưởng ngành thành viên Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, giúp Viettel tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Vũ Khuyên (VOV)